Nhiều bệnh viện ghi nhận ca mắc các bệnh hô hấp có gia tăng. Các chuyên gia cảnh báo người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền… cần cẩn trọng trong thời điểm này, chủ động phòng tránh các bệnh đường hô hấp.
Người già, trẻ nhỏ khó tránh bệnh
Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, tuần qua nhiều người cao tuổi đến thăm khám do mắc các bệnh hô hấp, tim mạch. Những người lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, Hà Nội) những ngày này khi ra ngoài đều trùm khăn kín, đem theo dầu nóng…
Bà Lan chia sẻ do trời lạnh nên cố gắng giữ ấm, dù vậy bà vẫn bị ho hơn một tuần nay nên đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bà mắc viêm phế quản.
Theo bác sĩ Hà Thị Vân – phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương, thời tiết trở lạnh khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện điều trị.
Trong đó một số bệnh mùa đông mà người cao tuổi thường mắc phải như xương khớp, hô hấp, tai mũi họng (viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi) hay nghiêm trọng hơn là những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não…
“Triệu chứng bệnh của người cao tuổi không xuất hiện điển hình, rầm rộ như người trẻ nên nhiều người còn chủ quan. Vì vậy người cao tuổi trong thời tiết như hiện nay cần cẩn trọng lắng nghe cơ thể.
Đồng thời người chăm sóc phải chú ý, khi có biểu hiện bất thường cần đưa người cao tuổi đến bệnh viện kiểm tra, điều trị kịp thời”, bác sĩ Vân khuyến cáo.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội)… không ít trẻ nhỏ phải đến khám các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng cấp… Các triệu chứng phổ biến là ho, sốt, chảy nước mũi…
Theo TS Đỗ Thiện Hải, phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, viêm đường hô hấp là nhiễm trùng của đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác như thanh quản, khí quản, phế quản…
Viêm đường hô hấp trên gồm viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản… và viêm đường hô hấp dưới gồm viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi…
Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất đa dạng, ở nhiều mức độ khác nhau.
Thông thường trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật… hoặc thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.
Cách chủ động phòng tránh bệnh
Theo TS Hải, ở thời điểm hiện tại thời tiết thuận lợi cho việc lưu hành một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, sốt xuất huyết. Ngoài ra, một số bệnh khác có nguy cơ lây nhiễm rất cao như cúm, ho gà ở trẻ nhỏ, viêm màng não do vi rút…
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, cần đảm bảo tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để có hệ miễn dịch phòng bệnh tốt.
Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường sống của trẻ như trong lớp học, gia đình. Đặc biệt, trong gia đình người lớn khi đi ra ngoài tiếp xúc với rất nhiều người cần lưu ý tránh tiếp xúc với người mắc bệnh vì có thể mang mầm bệnh về cho trẻ.
Với người cao tuổi, bác sĩ Vân khuyến cáo cần tuân thủ dùng thuốc và tái khám định kỳ. Nên tiêm vắc xin cúm, phế cầu hằng năm, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Sử dụng chăn ấm khi ngủ, tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, hãy chú ý đến lượng nước uống để tránh mất nước trong mùa lạnh. Duy trì tập luyện thể dục.
Đột quỵ do chuyển mùa tăng
Bác sĩ CKII Dương Quang Hải, phó trưởng khoa đột quỵ – Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết vào mùa lạnh hoặc thời điểm chuyển mùa thường gia tăng số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt chảy máu não (thể nặng của đột quỵ).
Trong tháng 11 và đầu tháng 12, có khá nhiều bệnh nhân xuất huyết não, đặc biệt bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng xuất huyết não trên nền bệnh huyết áp cao. Tỉ lệ bệnh nhân chuyển biến xấu, tử vong rất lớn, từ 40-50%.
Việc thay đổi nhiệt độ từ nóng chuyển qua lạnh và ngược lại sẽ làm thay đổi huyết áp, đặc biệt người có bệnh nền nếu không kiểm soát tốt sẽ làm huyết áp tăng cao đột ngột, gây biến chứng đột quỵ. Áp lực huyết áp quá cao làm vỡ mạch máu, gây xuất huyết não.
Theo bác sĩ Hải, vào mùa lạnh, người lớn tuổi thường ít uống nước dẫn đến cô đặc máu, gây ra những huyết khối làm tắc mạch máu, dẫn đến đột quỵ.
Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh huyết áp nhưng không điều trị vì không thấy triệu chứng rõ rệt, nhưng khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân tăng huyết áp gây xuất huyết não và trở nặng, tỉ lệ tử vong cao.
Bác sĩ Hải khuyến cáo: “Để hạn chế nguy cơ đột quỵ đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa và mùa lạnh, ở người có bệnh lý huyết áp nền cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, điều trị huyết áp bằng thuốc để giữ mức huyết áp ổn định.
Những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp, người lớn tuổi thời điểm chuyển mùa có nguy cơ dễ cô đặc máu, tắc mạch máu não.
Vì vậy cần theo dõi bệnh lý nền và được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, uống đủ nước để không bị mất nước gây cô đặc máu gây tắc mạch máu não”.
Bác sĩ Hải cho hay các dấu hiệu dễ quan sát nhất để nhận biết bệnh nhân đột quỵ là đột ngột nặng một bên mặt, yếu liệt một bên tay chân, rối loạn ngôn ngữ…
Khi phát hiện người đột quỵ, cần tránh để người bệnh té ngã, để bệnh nhân nằm nghiêng, hút sạch dịch tiết nếu bệnh nhân nôn sặc. Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, đặc biệt đưa đến các cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ để được can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý không nên làm các phương pháp như bắt gió, cạo gió, bôi dầu, chích đầu ngón tay ngón chân… cho bệnh nhân để tránh chậm trễ quy trình cấp cứu. Các phương pháp này cũng không mang lại lợi ích đối với bệnh nhân đột quỵ.