Mới đây, Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp cụ bà N.T.H. (82 tuổi) được con gái đưa vào viện trong tình trạng luôn nghi ngờ có người ăn cắp đồ, có biểu hiện sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ, cụ bà luôn nghi có người ăn trộm đồ
Theo gia đình trước khi vào viện, sức khỏe của cụ H. hoàn toàn bình thường, gia đình không ai mắc bệnh lý tâm thần. Khoảng 4 năm nay, cụ hay quên không uống thuốc, hay kể lại chuyện ngày xưa cũ, nấu cơm quên bật công tắc…
Các triệu chứng ngày càng tiến triển nặng dần, thậm chí có lần đi ra ngoài không nhớ đường về.
Đỉnh điểm, cụ H. bắt đầu thường xuyên hoài nghi, dễ cáu gắt với mọi người trong gia đình, thường xuyên cất tiền nhưng không tìm lại được, nghi ngờ con dâu lấy cắp tiền của mình.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, phòng sức khỏe tâm thần người cao tuổi và y học giấc ngủ (M8), Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết người nhà bệnh nhân chia sẻ khoảng 3 tháng trở lại đây, cụ H. thường xuyên lo sợ vì cho rằng có người đến ăn cắp đồ đạc trong nhà mình.
Lo lắng bị mất trộm, nhiều đêm cụ H. không ngủ, đi lại quanh nhà để trông đồ đạc. Dù được con cháu khuyên ngăn nhưng cụ H. không nghe, còn cáu gắt, đòi đánh người nhà, nên được đưa vào Viện Sức khỏe thâm thần thăm khám.
Sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ Hải nhận định cụ H. có sa sút trí tuệ, hoang tưởng bị hại. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ do mắc bệnh Alzheimer khởi phát muộn với triệu chứng phụ thêm chủ yếu hoang tưởng, có bệnh lý tăng huyết áp.
“Bệnh nhân được điều trị suy giảm nhận thức, chống loạn thần. Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, hết hoang tưởng, cảm xúc và hành vi tạm ổn định, ngủ được nhiều hơn. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện, theo dõi và điều trị ngoại trú”, bác sĩ Hải thông tin.
Dấu hiệu mắc bệnh Alzheimer
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Thị Phương Mai, trưởng phòng sức khỏe tâm thần người cao tuổi và y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay hầu hết người sa sút trí tuệ do mắc Alzheimer được phát hiện muộn, đến viện ở giai đoạn nặng.
TS Mai cho hay bệnh Alzheimer chiếm 60-70% các trường hợp sa sút trí tuệ. Đây là bệnh thoái hóa gây chết tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não như trí nhớ, tư duy, định hướng và ngôn ngữ. Triệu chứng điển hình của Alzheimer là suy giảm trí nhớ.
Theo TS Mai, bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên.
“Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp đôi chút khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống của mình nhưng họ thường vẫn có thể sống độc lập.
Tuy nhiên, theo thời gian, trí nhớ sẽ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, để lại gánh nặng cho người chăm sóc, gia đình và xã hội”, TS Mai nói.
Một số dấu hiệu nhận biết sớm Alzheimer như suy giảm trí nhớ, biểu hiện là khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác, quên tắt bếp khi nấu ăn…
Người bệnh giảm tiếp thu thêm thông tin mới; giảm sự tập trung, chú ý; giảm vốn từ, giảm sự lưu loát khi nói và viết…
Cũng theo TS Mai sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa, nhưng tuổi là yếu tố nguy cơ mạnh nhất.
Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn nam giới, có thể liên quan đến tuổi thọ cao hơn hoặc thay đổi hormone qua các giai đoạn.
Ngoài yếu tố không thể thay đổi như di truyền và gen, một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát như các bệnh lý cơ thể (tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu); lối sống (hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, cô lập xã hội); hoặc tâm lý trầm cảm, cô đơn.
Phát hiện sớm, kiểm soát bệnh
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn Alzheimer, nhưng một số biện pháp có thể giảm nguy cơ bệnh tiến triển nhanh như kiểm soát tốt các bệnh lý cơ thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường hoạt động trí não, chăm sóc sức khỏe tâm thần,….
“Dù hiện nay không thể điều trị khỏi bệnh nhưng sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ người bệnh là điều cần thiết để giảm thiểu tác động của căn bệnh này”, TS Mai khuyến cáo.