Công nghệ sử dụng để tạo ra vắc xin này tương tự như loại vắc xin mRNA đã được sử dụng rộng rãi để phòng COVID-19, tuy nhiên điểm đặc biệt là vắc xin HIV mRNA được “đóng gói” trong các hạt nano lipid. Điều này giúp tăng cường khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là ở khu vực đường ruột, nơi virus HIV thường trú ẩn và nhân lên.
Theo giáo sư Aerts thuộc Đại học VUB, các hạt nano lipid mang tín hiệu bổ sung giúp kích thích hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn, từ đó tăng hiệu quả của vắc xin.
Một phát hiện đáng chú ý khác là vắc xin này không chỉ kích thích hệ miễn dịch trong máu mà còn ở đường ruột. Tiến sĩ Sabine den Roover cũng thuộc Đại học VUB chia sẻ điểm đặc biệt của nghiên cứu này là vắc xin kích hoạt một loại tế bào miễn dịch đặc biệt có tên là CD8+ T, có khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm HIV. Đây là một phát hiện rất hứa hẹn vì trước đây, việc kích hoạt loại tế bào này vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu vắc xin phòng HIV/AIDS trong quá khứ, nhưng đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi cho thấy kết quả khả quan.
Khả năng đột biến cao của virus HIV là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, với công nghệ mRNA tiên tiến, các nhà khoa học đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu loại bỏ virus này.
Bên cạnh vắc xin, một phương pháp phòng ngừa HIV/AIDS khác cũng đang được sử dụng rộng rãi là PrEP, tức là sử dụng thuốc kháng virus để phòng ngừa lây nhiễm HIV. Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm PrEP 6 tháng một lần đã đủ để bảo vệ cơ thể khỏi virus HIV.
Những kết quả nghiên cứu mới nêu trên mang đến hy vọng lớn cho những người đang sống chung với HIV/AIDS, và cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (LGBT). Tuy nhiên, để đưa vắc xin này vào ứng dụng rộng rãi, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng trên quy mô lớn hơn.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu này rất khả quan, mở ra hy vọng về một loại vắc xin hiệu quả chống lại HIV trong tương lai gần.
Singapore cung cấp bộ tự xét nghiệm HIV tại nhà
Singapore sẽ bắt đầu cung cấp bộ tự xét nghiệm HIV tại một số hiệu thuốc vào cuối tháng 1-2025. Đây là một phần trong nỗ lực của Bộ Y tế nước này, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV trong cộng đồng và khuyến khích việc xét nghiệm định kỳ.
Bộ Y tế Singapore cho biết tự xét nghiệm HIV là một phương pháp nhanh chóng và thuận tiện để biết tình trạng HIV của bản thân. Bộ dụng cụ này có thể được sử dụng độc lập trong một không gian riêng tư, và yêu cầu người dùng tự lấy mẫu nước bọt bằng cách sử dụng một que lấy mẫu.
Theo Bộ Y tế Singapore, một tỉ lệ lớn bệnh nhân HIV mới phát hiện có tình trạng nhiễm bệnh ở giai đoạn muộn khi được chẩn đoán, với 52% trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn trong năm 2023. Tỉ lệ này lần lượt là 51% trong năm 2022 và 62% trong năm 2021. Tỉ lệ phát hiện thông qua xét nghiệm tự nguyện cũng tương đối thấp, chỉ đạt 15% trong năm 2023, 17% trong năm 2022 và 16% trong năm 2021.
Bộ Y tế Singapore khuyến nghị mọi người trưởng thành nên đi xét nghiệm ít nhất một lần trong đời, bất kể có hay không các yếu tố rủi ro. Những người có hành vi tình dục rủi ro cao nên đi xét nghiệm định kỳ mỗi ba đến sáu tháng, trong khi những người có nguy cơ cao hơn nên xét nghiệm thường xuyên hơn và tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ y tế về các biện pháp phòng ngừa.
Trong năm 2023, Singapore ghi nhận 209 ca nhiễm HIV mới trong số công dân và thường trú nhân, tăng nhẹ so với 202 ca trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1998. Số ca nhiễm mới lần lượt là 250 ca trong năm 2021 và 261 ca trong năm 2020.