Mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo không phải chuyển tuyến, hưởng 100% bảo hiểm y tế

Bệnh nhân được nhân viên hướng dẫn lấy số thứ tự làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hà Nội – Bắc Giang – Ảnh: HÀ QUÂN

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua chiều 27-11, cơ quan này đã họp trực tuyến triển khai trong toàn ngành. 

Mở rộng người hưởng bảo hiểm y tế

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho hay luật mới đã tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, đơn giản hóa thủ tục, dễ hiểu, khả thi, tạo thuận lợi cho người khám chữa bệnh.

Trước đó, ngành bảo hiểm xã hội đã chủ động phát hiện, đề xuất giải pháp sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật.

Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm y tế mới sửa hoàn toàn điều 12 về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng, đồng bộ với Luật Bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2025. Nhiều nhóm được bổ sung, nâng mức hỗ trợ.

Luật mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với người khám bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình hay khám chữa bệnh tại nhà.

Theo ông Hòa, điểm nhấn của luật là các quy định hướng tới “xóa địa giới hành chính” trong khám chữa bệnh.

Cụ thể, việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh không phụ thuộc vào các tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước) mà tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính.

Người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cấp cao sẽ được khám chữa bệnh ở cấp thấp hơn.

“Đặc biệt, một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao… người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng”, ông Hòa nhấn mạnh.

Mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo không phải chuyển tuyến, hưởng 100% bảo hiểm y tế - Ảnh 2.

Nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế

Luật mới còn khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi mua thuốc ngoài hay bổ sung quy định cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử.

Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị, tạo thuận lợi trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

“Đây là những cải cách lớn, tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, thống nhất với Bộ Y tế trong triển khai đồng bộ, đồng thời truyền thông rộng rãi cho người dân hiểu”, ông cho hay.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến chủ động tham gia xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành có trách nhiệm lên kế hoạch, phương án triển khai luật ngay khi có hiệu lực, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khám chữa bệnh.

Luật Bảo hiểm y tế mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Riêng quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1-1-2025.

Chi phí khám chữa bệnh tăng cao

Theo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trong 10 tháng đầu năm 2024, chi phí và số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mức chênh lệch cao nhất là tiền giường, chiếm 15,8% trong tổng số.

Tiền thuốc tăng chi xếp thứ 2/7 yếu tố chi phí nhưng chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với hơn 31%. Tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú có xu hướng tăng cao với tỉ lệ toàn quốc là hơn 10% bệnh nhân.

Mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo không phải chuyển tuyến, hưởng 100% bảo hiểm y tế - Ảnh 3.Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế

Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với rất nhiều điểm mới được mong đợi, ví dụ như khám chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả, mức hưởng bảo hiểm được thiết kế trên cơ sở xóa ‘địa giới hành chính’…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *