Có bảo hiểm y tế nhưng phải ‘cắn răng’ khám dịch vụ

Mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 4.700 – 4.800 bệnh nhân đến thăm khám và điều trị, dẫn đến tình trạng phải chờ đợi lâu – Ảnh: DUYÊN PHAN

Họ rơi vào “thế bí” giữa lựa chọn chờ đợi vài tuần đến cả tháng để khám chữa bệnh BHYT hoặc chấp nhận “cắn răng” chọn dịch vụ để “siêu âm, mổ luôn trong ngày”.

Tại sao bệnh nhân BHYT có chỉ định mổ phải đợi rất lâu từ 1-2 tuần, trong khi nếu chọn dịch vụ sẽ nhanh hơn, có thể mổ luôn trong ngày hoặc qua ngày? Từ câu hỏi này, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo chân nhiều bệnh nhân đến thăm khám tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM để tìm hiểu.

“Tự nguyện chuyển sang dịch vụ”

Ghi nhận của Tuổi Trẻ lúc gần 9h30 ngày 11-11 tại khu vực quầy siêu âm (số 1) của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (TP Thủ Đức), bệnh nhân xếp hàng dài đợi tới lượt đăng ký siêu âm.

Phía trên màn hình hiển thị rõ số 190, phía dưới số thứ tự có dòng chữ chạy liên tục: “BHYT hẹn đến sáng thứ ba ngày 12-11. Ngoài giờ (dịch vụ – PV) hẹn đến chiều thứ hai ngày 11-11” (tức trong ngày).

Nhân viên tư vấn đăng ký siêu âm thông báo thứ hai đã hết số nên phải chuyển qua ngày mới để được siêu âm.

Nhiều người bệnh BHYT sau khi nghe thông báo liền phân vân hỏi về giá dịch vụ, nữ nhân viên tư vấn giải thích: “Chị muốn làm buổi chiều thì 100.000 đồng, dịch vụ là từ 4h30 đến 5h đó nha”, “Dịch vụ thì 5h chiều, chú đợi được không?”, “Dịch vụ thì số của chị 5h chiều, giá tiền 100.000 đồng, 200.000 đồng, 300.000 đồng, 450.000 đồng chị có đợi được không?”…

Bà K.T. (1971, Đồng Nai) được chẩn đoán mắc u ác tuyến giáp có chỉ định siêu âm. Sáng cùng ngày tại khu vực quầy siêu âm, khi đăng ký bà được nhân viên tư vấn hẹn đến sáng 12-11 mới được siêu âm.

Nghe vậy, bà hỏi “Làm sao cho cô siêu âm đi, cô không có chờ được?”; nữ nhân viên nói không còn cách nào khác vì đã hết số, phải tự sắp xếp.

Đứng phân vân một hồi, vì nhà ở xa, còn một số công việc không thể trì hoãn nên bà T. đành đăng ký dịch vụ siêu âm với giá 150.000 đồng lúc 16h30 cùng ngày. Lúc này nhân viên tư vấn yêu cầu bà đứng sang một bên để ký vào tờ giấy “tự nguyện chuyển sang dịch vụ”.

Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ, chỉ trong vòng 20 phút đã có gần chục bệnh nhân ký vào tờ giấy tự nguyện chuyển qua siêu âm dịch vụ.

Đa phần những bệnh nhân này đều từ các tỉnh xa đổ về, nếu đợi siêu âm qua ngày sẽ tốn thời gian chờ và công sức đi lại. Đặc biệt, có một số bệnh nhi ung thư còn đi học, gia đình phải chọn dịch vụ siêu âm trong ngày, bởi nếu hẹn qua ngày không kịp lịch học.

“Vợ tôi có chỉ định siêu âm. Thế nhưng đăng ký siêu âm BHYT thì phải đợi qua ngày, nếu ở lại bắt buộc phải đi tìm nhà nghỉ, tiền ăn uống, đi lại rất tốn kém. Để tiết kiệm, tôi đành chọn siêu âm dịch vụ để có kết quả trong ngày” – ông H.N. (quê Long An) nói.

Có bảo hiểm y tế phải 'cắn răng' khám dịch vụ - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Tháo ốc vít cũng phải đợi qua tháng

Không riêng gì dịch vụ siêu âm, tại một số bệnh viện, người bệnh dù có thẻ BHYT vẫn đành “cắn răng” đăng ký phẫu thuật (mổ) dịch vụ luôn trong ngày hoặc qua ngày với chi phí cao hơn.

Hơn 9h ngày 21-11 tại khoa chi trên của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), khi biết lịch mổ BHYT phải chờ lâu, nhiều người nháo nhác liên tục hỏi nhân viên tại đây việc đăng ký mổ dịch vụ ra sao.

Những cuộc điện thoại hỏi ý kiến người nhà có đồng ý mổ dịch vụ hay không cũng trở nên dồn dập.

Ngồi sát chúng tôi, bà D.T.K.D. đang gọi điện hỏi ý kiến gia đình: “Có nên đợi qua tháng 12 chờ tới lượt mổ BHYT không, nếu chọn dịch vụ thì qua ngày được mổ luôn”.

Bà D. nói trước đây có đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phẫu thuật gãy tay và được gắn ốc vít, đến nay cũng đã trễ lịch hẹn.

Qua thăm khám, nhân viên y tế tại đây cho hay do lịch mổ BHYT đã kín, nếu mổ phải đợi đến tháng 12, còn nếu đăng ký dịch vụ sẽ mổ lấy luôn trong ngày hoặc ngày mai.

Chúng tôi băn khoăn hỏi thêm một nhân viên y tế về trường hợp của chị D., người này cho hay: “BHYT hay không có BHYT đều phải đợi hết nha. Hồi nãy em có báo giá cho bệnh nhân rồi đó, 8,5 triệu đồng là mổ dịch vụ, còn mổ chương trình bình thường (mổ BHYT – PV) theo lịch là 3 triệu đồng.

Mổ dịch vụ nhanh nhất vào ngày hôm nay hoặc ngày nào đó tùy mình chọn. Mình đăng ký sớm đi không thì chuẩn bị hết chỗ, người ta không cho đăng ký đâu. Dịch vụ đóng thêm phí ngoài giờ là 5,5 triệu đồng, hưởng BHYT là tiền thuốc và tiền phòng thôi”, người này tư vấn.

Tương tự, người nhà ông N.V.T. (76 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng phải suy tư, gọi điện về gia đình thông báo có nên đăng ký mổ dịch vụ hay không vì chờ mổ lịch BHYT quá lâu.

“Lúc thăm khám, nhân viên y tế có nói đăng ký dịch vụ thì được mổ luôn, chi phí tầm 10 triệu đồng, còn chọn mổ BHYT thì bác sĩ nói đợi ba tuần”, người nhà ông T. nói.

Đang ký tên vào tờ “giấy khám chữa bệnh theo yêu cầu”, anh L.C.T. (36 tuổi, quê Long An) cũng cho hay mình bị chấn thương ở ngón tay, kim dính sâu trong xương phải phẫu thuật lấy kim ra.

Anh nói “BHYT ít tốn tiền nhưng mà hẹn lâu quá, biết đến khi nào” và đã đăng ký luôn dịch vụ để chiều được mổ ngay.

Có bảo hiểm y tế phải 'cắn răng' khám dịch vụ - Ảnh 3.

Người bệnh có BHYT đăng ký siêu âm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào sáng 11-11 được thông báo dời lịch đến sáng hôm sau do đã kín lịch – Ảnh: H.LY

Đợi xếp lịch nhưng xếp đến bao giờ?

Ngoài các bệnh viện nêu trên, sáng 20-11 chúng tôi tiếp tục có mặt tại khu vực tầng 2 phòng hành chính của khoa ngoại thận – tiết niệu Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Lúc này đã có đông bệnh nhân xếp hàng đợi gọi tới lượt thăm khám và tư vấn.

Có chỉ định tán sỏi thận của bác sĩ, bà Đ.T.H. (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vào phòng tư vấn, lúc sau bà bước ra khỏi phòng rồi vẫy tay ra hiệu cho chồng lại hỏi ý kiến việc có đăng ký dịch vụ hay không “nếu muốn làm nhanh”.

Vợ chồng bà H. tiếp tục vào phòng tư vấn, sau vài phút cả hai ra ngoài rồi đưa ra quyết định làm thủ tục nhập viện, chọn phòng để mổ dịch vụ vào ngày 21-11.

Bởi theo bà, nếu đợi lịch tán sỏi của BHYT phải đợi qua tuần, xếp lịch nhưng chưa biết ngày cụ thể. “Trước đó tôi đi cấp cứu hoài. Nhân viên y tế nói mổ BHYT thì đợi tuần sau, đợi xếp lịch mà xếp đến bao giờ? Còn đăng ký dịch vụ thì 5 triệu đồng, ngày mai được mổ rồi đóng tiền dịch vụ luôn”, bà T. nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, để được mổ nhanh bà N.T.T.H. (58 tuổi, ngụ TP.HCM) mắc sỏi thận đã chọn mổ dịch vụ với giá hơn 5 triệu đồng. Bà cho hay do hoàn cảnh đơn chiếc đợi lâu quá sợ không có ai chăm sóc nên quyết định mổ dịch vụ.

“Sỏi cản đường tiểu khiến tôi phải đi tiểu liên tục. Bác sĩ ở khoa thận hỏi muốn mổ như thế nào, BHYT thì người ta nói không biết lịch mổ đến bao giờ, có thể là tuần sau hoặc hết tuần sau. Giờ đăng ký dịch vụ thì tốn tiền nhưng mai mổ rồi về luôn”, người nhà bà H. nói.

Còn bệnh nhân B.P. (46 tuổi) cho hay sáng 27-11 bà có chỉ định rút ống thông sonde tại bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ cho hay nếu làm dịch vụ sẽ được về luôn trong buổi sáng, còn đợi BHYT thì chiều mới được về.

“Bác sĩ nói nếu chọn dịch vụ chi phí sẽ là 2 triệu đồng, làm xong về trong sáng cùng ngày luôn, còn trường hợp đợi BHYT cũng sẽ làm trong buổi sáng nhưng phải đợi chiều mới về được”, bà P. nói.

Thời gian chờ xét nghiệm, siêu âm vẫn bị phàn nàn

Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2024 số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM tiếp tục tăng so với cùng kỳ 2023.

Mỗi ngày các bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân ở khắp nơi đổ về để thăm khám và điều trị. Đáng nói hiện nay người dân vẫn có xu hướng đổ dồn về các bệnh viện để được khám chữa bệnh, kể cả những bệnh lý thông thường (xem đồ họa).

Từ năm 2017, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng và triển khai “hệ thống ki ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh khi đến khám bệnh tại các bệnh viện”, được lắp đặt tại các khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập trực thuộc.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM sau bảy năm triển khai hệ thống này đã cho thấy đây là kênh thông tin quan trọng cho hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện xuất phát từ góc nhìn của người bệnh và thân nhân người bệnh liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công.

Theo ghi nhận từ hệ thống ki ốt qua các năm, người bệnh vẫn còn phàn nàn nhiều nhất đối với các khâu làm thủ tục đăng ký khám, thủ tục khám BHYT, thái độ ứng xử giao tiếp của nhân viên bệnh viện và thời gian chờ làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim…

Có bảo hiểm y tế phải 'cắn răng' khám dịch vụ - Ảnh 4.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đăng ký mổ vào sáng 21-11 nhưng do đã kín lịch mổ nên phải đợi vài tuần – Ảnh: H.LY

Có hay không đẩy bệnh nhân BHYT qua dịch vụ?

Trả lời Tuổi Trẻ, các bệnh viện đều cho rằng các phòng mổ hiện đã hoạt động hết công suất hoặc thiếu nhân lực dẫn đến kéo dài thời gian chờ đợi mổ, phẫu thuật cho bệnh nhân có BHYT.

Phòng mổ đã hoạt động hết công suất?

Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho hay mỗi ngày bệnh viện phải mổ từ 110 – 130 trường hợp, thời điểm quá tải có thể tăng lên đến 150 ca, các ngày đầu tuần lịch mổ chương trình dày đặc, còn các ngày cuối tuần cấp cứu mổ rất đông.

Đặc thù bệnh viện là các ca mổ nặng, khó, thời gian mổ từ 3-5 tiếng/ca không phải là hiếm như vẹo cột sống nhi nặng, ung thư xương, đứt lìa chi… với 16 phòng mổ hiện hữu, các phòng mổ đều hoạt động hết công suất. Tuy vậy lượng bệnh nhân chờ mổ ở các khoa lâm sàng vẫn rất đông.

“Do tình hình thiếu thốn trang thiết bị chung của các bệnh viện nên khi chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị thì số lượng bệnh nhân phải mổ của các nơi đã dồn vào gây nên quá tải, điều này dẫn đến bệnh nhân phải chờ đợi lâu.

Ngoài ra, các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên rất nhiều nên thời điểm đó có bệnh nhân BHYT phải chờ đến hai tuần.

Thời điểm hiện tại bệnh nhân mổ BHYT nếu phải chờ đợi thì chỉ trong vòng khoảng một tuần sẽ được mổ do lượng bệnh nhân mặc dù vẫn còn quá tải nhưng đã được điều tiết và cân bằng hơn” – đại diện bệnh viện lý giải.

Còn lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng theo quy định bệnh viện sẽ duyệt mổ tập trung vào thứ sáu hằng tuần để có lịch mổ cho tuần sau. Như vậy người bệnh muốn mổ cần được vào sớm hơn ngày mổ khoảng một tuần.

Đây được gọi là mổ theo chương trình và áp dụng cho tất cả những trường hợp không phải mổ cấp cứu. Còn đối với mổ dịch vụ, người bệnh sẽ được yêu cầu (chọn) bác sĩ mổ và yêu cầu ngày mổ phù hợp với sự sắp xếp của người bệnh.

“Người bệnh có hay không có BHYT đều được tư vấn theo hai cách này. Nghĩa là người không có BHYT vẫn phải đợi mổ chương trình và người có BHYT vẫn có thể đăng ký mổ dịch vụ. Việc mổ dịch vụ được thực hiện ngoài giờ hành chính (sau 16h) và nhân sự riêng biệt”, vị này cho hay.

Mổ thông tầm không nghỉ

Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định sở dĩ chỉ duyệt mổ vào thứ sáu hằng tuần, dẫn đến bệnh nhân muốn mổ phải đợi một tuần, là do thiếu nhân lực.

Trong thời gian tới bệnh viện có kế hoạch tổ chức duyệt mổ mỗi ngày để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, tuy nhiên điều này chỉ thực hiện được khi có đủ nhân sự.

Ban giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cũng cho hay thường xuyên chỉ đạo các phẫu thuật viên phải vào phòng mổ và mổ đúng thời gian quy định.

Đồng thời sắp xếp các ca mổ phù hợp, không lãng phí thời gian “chết” trong phòng mổ, mổ thông tầm không nghỉ và tăng cường các ê kíp mổ để giải quyết các ca mổ.

Còn tại Bệnh viện Ung bướu, theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, giám đốc bệnh viện, mỗi ngày có khoảng 4.700 – 4.800 lượt bệnh nhân đến khám, tăng 8 – 10% so với trước đây. Hiện nay khi số lượng người bệnh ngày càng tăng, bệnh viện đang thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.

“Đầu tiên là tăng thời gian khám chữa bệnh bằng cách đã triển khai khám sớm từ lúc 5h sáng mỗi ngày, khám và điều trị thông tầm (12h – 13h), ngoài giờ hành chính (16h30 – 20h) và khám, điều trị cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật.

Bên cạnh đó, bệnh viện liên tục tăng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân, tuyển dụng thêm các vị trí bác sĩ, điều dưỡng…” – bác sĩ Tuấn nói.

Có bảo hiểm y tế phải 'cắn răng' khám dịch vụ - Ảnh 5.

Bệnh viện Bạch Mai tiếp đón hàng ngàn lượt khám, chữa bệnh BHYT mỗi ngày – Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Phải đảm bảo bình đẳng cho người bệnh

Các chuyên gia và nhà quản lý y tế khẳng định để tránh tình trạng người bệnh có thẻ BHYT phải chờ đợi lâu, bắt buộc phải nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, ứng xử giữa người bệnh đăng ký dịch vụ và người bệnh có thẻ BHYT phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.

Tối thiểu dành 70% thời gian khám chữa bệnh BHYT

Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công lập quy định rõ việc đảm bảo số giường và số giờ khám BHYT và khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Cụ thể, các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu cung cấp tại cơ sở công lập bao gồm khám bệnh, giường điều trị và gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật.

Quy định nêu rõ các bệnh viện phải xây dựng danh mục và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng phác đồ điều trị, phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Tại thông tư này cũng quy định các bệnh viện phải bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề.

Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỉ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT, người không có thẻ BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.

Đồng thời các bệnh viện phải niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để người bệnh biết, lựa chọn.

Không được phân biệt giữa dịch vụ và BHYT

Việc bệnh nhân BHYT phải chờ đợi lâu, rơi vào “thế bí” buộc phải chọn sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay bệnh nhân dù sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu hay BHYT đều phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng.

“Các y bác sĩ có trách nhiệm khám chữa bệnh cho người bệnh như nhau, không phân biệt đối xử với người bệnh sử dụng dịch vụ hay BHYT”, vị này khẳng định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế nhận định hiện nay hầu hết người dân đã tham gia BHYT, vì vậy số lượng người bệnh sử dụng thẻ BHYT khám chữa bệnh rất lớn. Trong khi các bệnh viện thường xuyên quá tải, dẫn đến việc bệnh nhân BHYT phải chờ đợi lâu.

“Năng lực khám chữa bệnh của các bệnh viện có hạn, vì vậy việc quá tải dẫn đến chờ đợi lâu tại một số bệnh viện, đặc biệt tuyến cuối, là tình trạng khá phổ biến.

Điều quan trọng các bệnh viện phải tuân thủ nguyên tắc khám chữa bệnh, chuyển viện và các quy định về khám chữa bệnh theo yêu cầu để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT”, chuyên gia này cho hay.

Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để giải quyết tình trạng người bệnh BHYT phải chờ đợi lâu nên buộc phải lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu, cần nâng cao năng lực y tế cơ sở.

“Khi từ trạm y tế, bệnh viện huyện, thị xã… được đầu tư đúng mức, có thể thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, tạo niềm tin cho người dân thì lượng bệnh nhân BHYT sẽ được “chia” đồng đều. Tránh được tình trạng tuyến dưới vắng bóng, tuyến trên quá tải”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Hơn 90% người dân tham gia BHYT

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay đã có hơn 90% người dân tham gia BHYT. Trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã có hơn 88 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỉ lệ người bệnh nội trú là gần 10%.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *