Thay vì mỗi cặp vợ chồng ‘sinh một hoặc hai con’, mới đây Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng có quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, thu nhập…
Khuyến sinh phù hợp nhóm đối tượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Bùi Chí Thương – trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) – cho biết đề xuất của Bộ Y tế để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Thậm chí đề xuất này cần sớm hơn vì thực trạng dân số như hiện nay chưa giàu đã già. Đồng thời, tỉ suất sinh ở các khu vực thành thị đang xuống thấp đáng e ngại, điển hình như TP.HCM, mức sinh năm 2023 chỉ là 1,32 con. Mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai.
“Trong quá trình thăm khám cho sản phụ tại bệnh viện, nhiều người cho biết hiện nay nuôi dạy trẻ rất cực và tốn kém, chi phí ở thành thị cao nên chỉ chọn sinh từ 1 đến 2 con. Không chỉ các gia đình ở thành thị, nhiều gia đình nông thôn cũng đang có xu hướng sinh ít vì tốn kém”, bác sĩ Thương nói.
Theo bác sĩ Thương, cần tính toán hợp lý, có chính sách khuyến sinh phù hợp nhất ở các khu vực thành thị.
Tại một số các nước trên thế giới có nhiều chính sách tạo khuyến sinh điều kiện cho các cặp vợ chồng như: vợ đẻ chồng được nghỉ làm, hưởng lương chăm vợ, con cái đi học miễn phí hoặc có con nhỏ được ưu tiên giảm giờ làm…
ThS Phạm Chánh Trung – chi cục trưởng Chi cục dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM – cho biết hiện nay một trong những thách thức trong chính sách khuyến sinh đó là đặc thù khác biệt của các nhóm đối tượng.
Đối với đề xuất của Bộ Y tế để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con, cần có những cân nhắc tham khảo về các đối tượng khác nhau.
Cụ thể, hiện nay có thể chia thành 3 nhóm khác nhau:
Với nhóm nhu cầu sinh con nhưng không an tâm về tài chính và điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cá: cần hỗ trợ các điều kiện để họ an tâm sinh và nuôi dạy con cái (có tính toán với điều kiện đặc thù của những đô thị lớn như TP.HCM) cả về y tế, giáo dục và việc làm.
Với nhóm có điều kiện về tài chính nhưng có quan điểm thay đổi về độ tuổi kết hôn (muộn hơn) và sinh con: truyền thông cho người dân hiểu về một số hệ lụy cá nhân và gia đình trong việc kết hôn muộn và sinh con ít.
Với nhóm mong muốn có con nhưng vì lý do sức khỏe nên chưa thể có con (đang gặp các áp lực về việc điều trị vô sinh nguyên phát và thứ phát) và các nhóm khác: hỗ trợ các cặp đôi chuẩn bị kết hôn thực hiện việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và các chính sách hỗ trợ tư vấn, điều trị vô sinh, hiếm muộn cho các cặp vợ chồng chưa có điều kiện.
Cần có chính sách “đón đầu”
GS.TS Giang Thanh Long – khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số – cho rằng hiện nay mức sinh ngày càng thấp không phải ở các chính sách về pháp lệnh dân số mà do nhận thức của người dân về việc sinh con hiện nay đã thay đổi.
“Nhiều gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện để sinh con thứ ba, tuy nhiên họ lựa chọn dừng lại ở một đến hai con bởi họ sẽ có thời gian chăm sóc cho con cái, đảm bảo các điều kiện chăm sóc tốt nhất.
Nếu sinh thêm con, nghĩa là gánh nặng lên gia đình nhiều hơn, vì vậy giống như các nước, người Việt cũng có xu hướng sinh con ít hơn, đặc biệt ở vùng có kinh tế tốt hơn”, ông Long nhận định.
Để giải bài toán về mức sinh thay thế, ông Long cho rằng dù hiện nay mức sinh thay thế chung cả nước chưa ở mức báo động nhưng cũng cần có những chính sách để “đón đầu”.
Điều quan trọng là các chính sách an sinh phải đảm bảo cho việc nuôi dạy con cái thì các cặp vợ chồng mới an tâm sinh con.
“Nếu sinh một đứa trẻ nhưng phải lo lắng con học ở đâu, học trường nào, có hay không có nhà ở… thì các cặp vợ chồng sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn sinh con. Vì vậy, cần đảm bảo các chính sách an sinh, đảm bảo môi trường học tập, chăm sóc sức khỏe …