Sáng 9-7, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa thông tin đã có kết quả xét nghiệm 8/15 mẫu CDC tỉnh gửi giám định bệnh bạch hầu. Trong đó 8 mẫu đều có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi.
Hiện các trường hợp tiếp xúc gần vẫn phải cách ly, theo dõi sức khỏe và được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh.
Tăng ca bệnh do tỉ lệ tiêm chủng thấp
Sau khi nghe Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, Nghệ An báo cáo nhanh về trường hợp cô gái 18 tuổi tử vong vì bạch hầu ngày 5-7, bác sĩ Phạm Đình Du – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An – dẫn đầu tổ phản ứng nhanh trực tiếp về bản Phà Khảo, xã Phà Đánh.
CDC Nghệ An xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân C. từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, qua truy vết, cơ quan chức năng Nghệ An xác định hai trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh trên đang tạm trú ở huyện Hiệp Hòa.
Chiều 7-7, cơ quan chức năng xác định một người có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu nên chuyển người bệnh ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) để điều trị. Còn một người có kết quả âm tính được đưa vào khu vực cách ly.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến ca mắc bệnh bạch hầu bỗng gia tăng trong thời gian qua là do tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bị gián đoạn, tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 tỉ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) chỉ đạt 55,7% (trong khi chỉ tiêu được giao là ≥80%). Đây cũng là loại vắc xin có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số 10 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 58 ca mắc bạch hầu, không đạt chỉ tiêu đề ra (≤0,05/100.000 dân).
Sau thời gian gián đoạn tiêm chủng, tháng 12-2023 Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoàn thiện các thủ tục mua và ký hợp đồng cung ứng 10 loại vắc xin sản xuất trong nước. Trong đó, đảm bảo cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ.
Bộ Y tế cũng đã phân bổ vắc xin, trong đó có vắc xin phòng bạch hầu cho các địa phương.
Bà Vi Thị Thanh – chủ tịch UBND xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn – cho biết trong những năm qua tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bạch hầu tại địa phương có kết quả thấp, tỉ lệ 45-60% trẻ được tiêm. Nguyên nhân do nhận thức của bà con về bệnh còn hạn chế, điều kiện đi lại, kinh tế khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho hay trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên hằng năm vẫn ghi nhận một số ca mắc, chủ yếu ở khu vực miền núi.
“Thời gian qua cũng xảy ra tình trạng thiếu cục bộ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên ở vùng sâu, vùng xa cũng không được tiêm”, ông Phu nhận định.
Cẩn trọng lây nhiễm, không hoang mang
Hiện nay bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh bạch hầu được đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Ông Vi Văn Khương – phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn – cho hay Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm nhưng tỉ lệ tiêm phòng bạch hầu còn thấp do người dân nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hại của bệnh.
Bác sĩ Phạm Đình Du thông tin trường hợp bệnh nhân ở huyện Kỳ Sơn tử vong do bạch hầu có một phần nguyên nhân do bệnh nhân không tiêm phòng từ nhỏ, khi phát hiện bệnh muộn và chậm chuyển tuyến theo khuyến cáo của cơ sở y tế.
Ông Du khuyến cáo bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể được khống chế trong trường hợp tiêm vắc xin bao phủ toàn dân.
Ông Phu cũng cho rằng do bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, vật dụng hằng ngày nên dễ lây lan, đặc biệt với những người không có miễn dịch với bệnh, người chưa được tiêm chủng vắc xin.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay…, vệ sinh kém. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về phòng chống dịch bạch hầu, ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay ngay khi tiếp nhận thông tin ca bệnh tử vong tại tỉnh Nghệ An, cục đã có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch.
Theo cục, dịch bạch hầu thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Dịch bạch hầu ở Bắc Giang cơ bản được kiểm soát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hương – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang – cho biết dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn cơ bản được kiểm soát do có sự vào cuộc từ sớm, trước khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Lực lượng chức năng khoanh vùng và xử lý những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh.
Chiều 9-7, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho toàn ngành về phòng chống, giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và một số bệnh dễ xảy ra trong mùa hè.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các trung tâm y tế toàn tỉnh rà soát trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin BH-HG-UV-VGB-Hib và DPT4 để tổ chức tiêm bù, tiêm vét…
Theo bác sĩ Lê Tiến Cương – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, ca bệnh bạch hầu được phát hiện tại huyện Hiệp Hòa là ca đầu tiên trong vòng hơn 20 năm gần đây.
Để phòng ngừa, hệ thống y tế tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, triển khai tiêm chủng mở rộng. Tỉ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn luôn đạt hơn 96%.
Khoanh vùng, dập dịch rất quan trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch bạch hầu tại Hà Giang, ông Vũ Hùng Vương, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, cho hay khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau 20 năm không có ca mắc, tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Sau 2-3 tháng, ổ dịch đã được khống chế, không lây lan ra cộng đồng.
Cũng ghi nhận ổ dịch bạch hầu hồi tháng 5-2023, tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng huy động lực lượng khoanh vùng dập dịch.
Đại diện Sở Y tế tỉnh thông tin thời điểm nhận được thông tin có ca mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tỉnh đã truy vết nhanh chóng. Điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm ca bệnh để điều trị, cách ly và điều trị dự phòng cho những đối tượng nguy cơ.