Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 xây mãi, 10 năm vẫn chưa xong

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động sau 10 năm khởi công – Ảnh: NAM TRẦN

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói các đơn vị liên quan đang tích cực gỡ vướng để tiếp tục thi công hoàn thành công trình. Dù vậy, Bộ Y tế cũng chưa có thông tin chính xác khi nào hai bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động.

Người dân mong mỏi chờ đợi, nhưng…

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nộ) hiện hằng ngày tiếp nhận điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 giường bệnh nội trú lúc nào cũng kín chỗ. Còn Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày cũng tiếp nhận hơn 1.000 lượt khám chữa bệnh, một năm mổ hơn 70.000 ca chủ yếu là chấn thương nặng, phức tạp, đa chấn thương.

Bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo từ khắp các tỉnh thành đổ về khiến hai bệnh viện liên tục trong tình trạng quá tải. Có những bệnh nhân phải chờ đợi hàng tháng trời mới có lịch mổ.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối, giúp người dân có thêm cơ hội chăm sóc sức khỏe sớm hơn, năm 2014 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý (Hà Nam) cùng khởi công xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh/bệnh viện, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Nhiều người dân khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận mong mỏi khi bệnh viện đi vào hoạt động sẽ được thăm khám ở bệnh viện tuyến cuối gần nhà với cơ sở hạ tầng hiện đại, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao.

Thế nhưng, chưa kịp vui mừng khi tháng 10-2018 hai cơ sở cùng tổ chức khánh thành khu khám bệnh, thì sau đó Bệnh viện Bạch Mai hoạt động được một thời gian ngắn đã dừng tiếp đón bệnh nhân.

Còn Bệnh viện Việt Đức, việc “khánh thành” chỉ tạm dừng ở “cắt băng”, mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Đến nay việc đưa khu khám bệnh vào hoạt động vẫn chưa được thực hiện, trong khi các hạng mục xây dựng đã dần xuống cấp.

Bệnh viện xây mãi, 10 năm vẫn chưa xong - Ảnh 2.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh vẫn chưa biết ngày mở cửa – Ảnh: NAM TRẦN

Vẫn đang “gỡ vướng” cho cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do đơn vị lần đầu thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai.

“Hai bệnh viện được thiết kế theo nguyên mẫu của bệnh viện nước ngoài. Dự án cũng thuê công ty nước ngoài thiết kế – thi công. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi hạng mục theo ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, như thay đổi hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng, số lượng máy điều hòa không khí và thang máy, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá”, vị này phân trần.

Đại diện ban quản lý dự án thông tin đến năm 2020 hai dự án đã hoàn thành hơn 90% hạng mục, về cơ bản đã hoàn thành. Chỉ còn một số công việc như xây cổng phụ, phân chia các phòng theo thiết kế… Tuy nhiên, do đã hết thời gian thực hiện dự án, đơn vị không thể triển khai các thủ tục bàn giao.

Tính toán không thể hoàn thành theo tiến độ được giao, năm 2019 Bộ Y tế xin tiếp tục gia hạn. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31-12-2020. Mới đây nhất, Bộ Y tế tiếp tục phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết 31-12-2024, đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Để sớm hoàn thành các hạng mục và đưa hai bệnh viện đi vào hoạt động, tháng 2-2023 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập tổ công tác rà soát khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án.

Theo bà Đào Hồng Lan, tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp thảo luận, rà soát, trình Chính phủ những khó khăn vướng mắc và phương án khắc phục. Tổ công tác đã có hướng giải quyết những vướng mắc và thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục phối hợp để từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa hai bệnh viện đi vào hoạt động.

Mặc dù năm 2020 dự án đã hoàn thành hơn 90%, nhưng sau bốn năm, hai bệnh viện vẫn chưa thể đi vào hoạt động, vướng mắc ở đâu rất cần làm rõ. Trong khi đó, có bệnh viện ở TP.HCM cùng sử dụng nguồn vốn với Bạch Mai và Việt Đức 2 nhưng khởi công sau và chủ đầu tư khác thì đã được xây dựng hiện đại, đi vào sử dụng từ lâu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án và đưa vào vận hành trong năm 2024. Tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, không để chậm trễ kéo dài. Và đến nay chỉ còn hai tháng sẽ hết năm, thế nhưng vẫn chưa có thông tin về việc bệnh viện có thể đưa vào vận hành.

Người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi, vẫn phải đi thêm quãng đường dài để được khám chữa bệnh. Và mỗi ngày trôi qua, hàng trăm bệnh nhân bị mất cơ hội được chăm sóc sức khỏe mà đáng lẽ ra họ đã được thụ hưởng từ nhiều năm qua.

Dự án với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng mỗi bệnh viện

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) có tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng mỗi bệnh viện, cùng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *