Bí quyết nào để vợ chồng hiếm muộn có con, ít chi phí?
Tin vui được ươm mầm
Cuối năm 2016, anh Trần Vương Quân (sinh năm 1980) và chị Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1985) về chung một nhà. Thấy đã “có tuổi” và mong có con sớm, hai vợ chồng “thả” một năm nhưng vẫn không có tin vui.
Thời gian đầu, chị Sửu uống các loại thuốc do người quen mách bảo nhưng kết quả không khả quan nên đi khám. Sau khi được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cho cả hai vợ chồng, kết quả chị Sửu bị rối loạn phóng noãn nên tỉ lệ đậu thai thấp.
Bác sĩ đưa ra phương án bơm tinh trùng (IUI), hai vợ chồng chị Sửu đồng ý thực hiện nhưng thất bại ngay lần bơm đầu tiên. Sau thời gian chuẩn bị tài chính, đến năm 2019 hai vợ chồng quyết định thực hiện IVF và quá trình này diễn ra suôn sẻ.
Vào giữa năm 2020, chị Sửu được chuyển phôi và 11 ngày sau nhận kết quả chỉ số hCG cao (có thai). Niềm vui kéo dài chưa bao lâu thì thai nhi mất tim thai ở tuần thứ 7. “Có con, hai vợ chồng như có tất cả mọi thứ nhưng rồi mọi thứ sụp đổ rất nhanh”, anh Quân nhớ lại kể.
Thời điểm lúc bấy giờ (năm 2022), biết được Bệnh viện Mỹ Đức phát động chương trình Ươm mầm hạnh phúc mùa thứ 9 (nay đã bước sang mùa thứ 11) hai vợ chồng chị Sửu rất mừng khi hy vọng tìm con từ kỹ thuật IVF lại được nhen nhóm.
Cả hai vợ chồng chị Sửu cùng tìm hiểu và đọc kỹ các điều kiện của chương trình. Lúc này, chị Sửu 37 tuổi (vừa đủ điều kiện về độ tuổi của người vợ của chương trình), nếu để sang năm thì chị không còn cơ hội. Đến ngày công bố kết quả, nhân viên bệnh viện gọi điện thông báo vợ chồng chị Sửu là một trong 80 cặp được thực hiện IVF miễn phí của chương trình Ươm mầm hạnh phúc mùa thứ 9.
Sau thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi, chị Sửu đã đậu thai thành công. Trong thai kỳ này, hai vợ chồng không tránh khỏi lo lắng, đếm từng ngày, từng tháng cho đến khi được ôm con vào lòng mới thở phào nhẹ nhõm.
“Chương trình đã thắp thêm hy vọng cho vợ chồng tôi trong hành trình 7 năm tìm con. Nhìn lại mọi thứ rất khó nói, bao nhiêu áp lực đè nén lâu nay được bung ra. Hạnh phúc vỡ oà, không có gì diễn tả được khi gia đình đón được bé mèo vàng năm 2023”, anh Quân phấn khởi nói.
Hành trình tìm con yêu của vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang và anh Nguyễn Thanh Giàu cũng đầy thử thách khi kết hôn 5 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Chị Trang mắc buồng trứng đa nang và từng bơm tinh trùng (IUI) thất bại nhưng không đủ chi phí để làm IVF.
Biết thông tin về chương trình Ươm mầm hạnh phúc, hai vợ chồng chị Trang đăng ký tham gia. Sau khi thỏa các tiêu chí vợ chồng chị được nhận vào chương trình Ươm mầm hạnh phúc.
Chị Trang chọc hút được 15 trứng, tạo được 4 phôi ngày 5 và 1 phôi ngày 6 vào tháng 11-2023. Quá trình chuẩn bị nội mạc được chuẩn bị ngay tháng sau, chị chuyển phôi lần đầu với 1 phôi ngày 5 loại 2 và thành công. Gia đình chị Trang đã có được bé rồng đáng yêu vào tháng 8 vừa qua.
Tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ – trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD Tân Bình) – cho biết chương trình Ươm mầm hạnh phúc đã trải qua 10 năm, đồng hành cùng 600 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ năm 2014, chương trình này đã trở thành một sự kiện thường niên, mang lại hy vọng cho nhiều gia đình đang khao khát có con.
Năm nay, chương trình bước vào mùa thứ 11, với kế hoạch hỗ trợ cho 100 cặp vợ chồng mong con có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong mùa năm nay, hệ thống IVFMD triển khai thực hiện chương trình tại một cơ sở mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong việc thăm khám khi tham gia chương trình.
“Đây là minh chứng thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của IVFMD đối với cộng đồng, khẳng định mỗi năm sẽ luôn có một chương trình giúp đỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn gặp khó khăn về tài chính, tiếp tục hành trình hiện thực hóa ước mơ có con.
Trong bối cảnh tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng, sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trở nên vô cùng cần thiết và ý nghĩa. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình trong khả năng của bệnh viện để hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ sớm thực hiện ước mơ làm cha, làm mẹ”, bác sĩ Vũ thông tin.
Là người “khởi xướng” chương trình và đặt nền móng đầu tiên cho kỹ thuật IVF tại Việt Nam, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho rằng khi đưa một kỹ thuật cao, thành tựu khoa học về nước, thì đối tượng phục vụ không chỉ là người có điều kiện mà cần có cả người hoàn cảnh khó khăn vì họ xứng đáng được hưởng và hạnh phúc.
Theo chương trình, các cặp vợ chồng tham gia sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí liên quan đến một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi (thuốc kích thích buồng trứng, thuốc chuẩn bị niêm mạc tử cung, thuốc hỗ trợ hoàng thể, chi phí chọc hút trứng, tạo phôi – nuôi cấy phôi, trữ lạnh phôi, chuyển phôi đông lạnh) trong khoảng thời gian từ 11-11-2024 đến hết ngày 31-7-2025.
Mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn
Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Đặc biệt, tình trạng vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) chiếm 3,8%. Đáng nói, tỉ lệ này đang tăng lên đến 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Ánh sáng cuối con đường
“Kiếm con đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn là một hành trình dài, gian nan. Mong các bạn vững tin, giữ năng lượng tích cực, cuối con đường sẽ có ánh sáng nếu chúng ta tiếp tục kiên trì bước đi chặng đường đang hướng tới. Nếu gặp khó khăn tài chính, các bạn mạnh dạn đăng ký chương trình Ươm mầm hạnh phúc, giúp mở ra nhiều hy vọng mới”, vợ chồng chị Sửu, anh Quân trải lòng.