Một người mắc bệnh bạch hầu tử vong: Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An lấy mẫu giám sát dịch bạch hầu tại địa phương – Ảnh: TÂM PHẠM

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch.

Cục đề nghị các đơn vị tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng.

Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Bên cạnh đó, cục cũng đề nghị rà soát, thống kê người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường, và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, các đơn vị tổng hợp gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch – tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định.

Ngoài ra, cục cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị, hạn chế dịch lây lan và ca tử vong.

Người tiếp xúc cần sử dụng kháng sinh dự phòng

Theo BS Phan Văn Mạnh, khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt…

Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.

Vắc xin bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỉ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung.

Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin (bạch hầu – ho gà – uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *