Nguyên nhân tử vong đang được cơ quan chức năng làm rõ. Bác sĩ chuyên môn cũng cảnh báo nguy cơ đột tử khi tập luyện môn thể thao này?
Tại sao có thể đột tử khi tập gym
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Võ Tường Kha – chủ nhiệm bộ môn y học thể thao, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định đây là trường hợp đột tử trong khi tập luyện thể thao, cụ thể là tập gym.
Bác sĩ Kha giải thích thực chất tập gym là tập phát triển cơ bắp, sức bền cơ, là môn BodyBuilding. Đặc điểm bài tập BodyBuilding là bài tập sức bền mạnh, bằng cách nâng dần lượng vận động (cường độ, thời lượng, số lần lặp lại) lên hoạt động co một số nhóm cơ nhất định.
Hoạt động này cần gắng sức cận tối đa, duy trì trong thời gian ngắn, lặp đi lặp lại, nguồn năng lượng tham gia hoạt động co cơ là từ nguồn liên kết giàu năng lượng Creatin Phosphat và từ nguồn đường phân yếm khí Glycolytic dẫn đến toan chuyển hoá, nợ oxy rất lớn.
Tiếp theo cơ thể mới sử dụng nguồn năng lượng oxy hóa khử khi buổi tập kéo dài. Vì vậy, hệ thống năng lượng được huy động tối đa trong thời gian ngắn, kèm theo hệ thống tuần hoàn (tim, mạch), hệ thống thăng bằng kiềm toan bị kích hoạt hoạt động mạnh với sự kích thích tối đa hệ thần kinh giao cảm hoạt động.
Kết quả là nguồn liên kết giàu năng lượng giảm nhanh, lượng đường giảm, toan chuyển hoá, nợ oxy, nhịp tim đạt tối đa, huyết áp tăng tối đa.
Về nguy cơ đột tử khi tập gym, bác sĩ Kha cho hay có thể do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, có thể do hạ đường huyết, nợ oxy lớn, đặc biệt tập khi đói, tập khi thể lực yếu, dẫn đến ngất xỉu nhưng thao tác, kỹ thuật xử lý chưa chuẩn, chưa kịp thời dẫn đến thiếu đường máu, oxy lên não gây tổn thương tế bào não, gây hôn mê, đột tử
Thứ hai, có thể do tập luyện gắng sức với lượng vận động quá lớn, tăng đột gây kích thích hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng huyết áp đột ngột, vỡ mạch máu não,đặc biệt ở người có dị dạng mạch não bẩm sinh chưa phát hiện hoặc có tiền sử bệnh tim mạch chưa được điều trị triệt để.
Thứ ba, là cũng do lượng vận động quá lớn, tăng đột ngột, khiến cường hệ thần kinh giao cảm, thêm toan chuyển hoá, nợ oxy làm tăng tần số tim, phổi. Khi nhịp tim tăng đột ngột tăng cao dẫn đến rung nhĩ, rung thất, cuồng động nhĩ…, hậu quả tim bóp rỗng, gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ tim.
Trong quá trình xử lý nạn nhân tập gym bị ngất xỉu không xử lý đúng, không có cán bộ y tế, chuyên gia dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn, dẫn đến đột tử, ngừng tuần hoàn.
Phòng tránh nguy cơ đột tử, chấn thương thế nào?
Bác sĩ Kha khuyến cáo để tránh nguy cơ đột quỵ khi tập gym cần lưu ý:
Trước khi tập luyện môn thể thao này nên đi khám bác sĩ thể thao hoặc bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nội tiết – chuyển hóa để đánh giá tình trạng thể lực, xem có tiền sử bệnh lý không. Nếu có phải điều trị triệt để trước khi tập luyện.
Trong trường hợp không có tiền sử bệnh lý, kết quả đánh giá sức khỏe này cũng giúp bác sĩ thể thao và huấn luyện viên đánh giá tình trạng thể lực có thể chịu được lượng vận động (cường độ, thời gian, tần suất vận động) như thế nào.
Trước, trong và sau mỗi buổi tập, người tập cần lắng nghe sức khỏe của bản thân. Nếu phát hiện bất thường cần báo ngay với bác sĩ, huấn luyện viên để điều chỉnh có tiếp tập không? Có điều chỉnh lượng vận động không – tăng hay giảm?
Nếu có dấu hiệu bất thường như hoa mắt, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực, đau đầu… thì dừng ngay và báo cho bác sĩ thể thao, huấn luyện viên để khám và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, không nên tập luyện khi quá no hoặc quá đói. Khi đói có thể dẫn đến hạ đường huyết khi tập luyện. Còn khi quá no có thể khiến lượng máu tập trung vào hệ thống tiêu hóa, thể tích dạ dày tăng lên, gây chèn ép cơ hoành dẫn đến trở ngại thở, hạn chế cung cấp đủ oxy cho tổ chức, tim, não dẫn đến ngất xỉu.
Bác sĩ thể thao và huấn luyện viên cần chủ động phối hợp người tập đánh giá tình trạng sức khỏe, thể lực của người tập định kỳ, thường xuyên, đặc biệt trước khi nâng lượng vận động ở mức cao hơn
“Các cơ sở tập luyện cần có nhân viên y tế đủ năng lực kèm cơ số thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu tối thiểu cho cấp cứu các bệnh lý tuần hoàn, hô hấp, ngất, đột quỵ, chấn thương.
Các cơ sở này cũng cần kết nối thông tin, hợp đồng cấp cứu, vận chuyển cấp cứu với cơ sở y tế gần nhất, đủ năng lực chuyên môn và pháp lý khi có sự cố cấp cứu xảy ra.
Do vậy, cần có quy định cụ thể về điều kiện an toàn y tế tập luyện, an toàn cấp cứu như chỉ ra ở trên”, bác sĩ Kha nhấn mạnh.