Vấn đề này chưa bao giờ hết nóng, bởi chất độc từ thực phẩm đang hằng ngày đi thẳng vào dạ dày. Những món ăn mang sứ mệnh duy trì sự sống lắm khi mang đến mầm bệnh nan y.
Chi thêm tiền mua thức ăn sạch cũng khó quá!
Ở TP.HCM, từ khi thành lập Sở Vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng được chứng kiến những chuyển biến rõ rệt trên mặt trận bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều vụ kinh doanh thức ăn, đồ uống không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh bị phát hiện, xử lý.
Những đợt kiểm tra đột xuất ở các chợ cho thấy tinh thần vào cuộc quyết liệt nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân.
Dẫu vậy, thực phẩm “không sạch” quá nhiều, từ nông thôn ra thành thị, việc kiểm soát chưa thể quán xuyến hết trong một sớm một chiều. Đây đó vẫn còn tình trạng lén lút sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản, tẩm ướp thức ăn.
Thực phẩm “quá đát” bị phù phép như tươi mới đánh lừa người mua vẫn chưa chấm dứt.
Một nghịch lý tồn tại lâu nay chính là nhìn món hàng “tươi rói”, hấp dẫn, bắt mắt quá cũng phải băn khoăn. Nhu cầu chính đáng khi tìm mua thực phẩm sạch đôi lúc không dễ dàng gì. Chấp nhận trả tiền cao hơn chút đỉnh để đổi lấy sự an toàn, cho dù đôi lúc cũng “hên, xui”.
Báo chí cũng vừa phanh phui tại Lâm Đồng, thủ đoạn của một số cá nhân “hóa kiếp” rau củ Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt. Cái gì cũng có thể có thuốc, lâu ngày hình thành sự nghi hoặc. Cũng chẳng ai biết được trong vô số thức ăn được người bán giới thiệu trên mạng “do nhà làm” nhưng làm bằng những gì?
Lắm khi chấp nhận mua bằng niềm tin, không thể thẩm định được sự an toàn. Phập phồng lo âu cũng phải nhắm mắt mua, tặc lưỡi an ủi có thể không sao, bởi không ăn thì sẽ chết ngay.
Hậu quả không đến ngay lập tức, song nếu bị đầu độc trong thời gian dài thì không sớm cũng muộn bệnh nan y sẽ “gõ cửa”. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra với tần suất dày hơn. Thu nhập khiêm tốn khiến người ta phải thắt lưng buộc bụng, liệu cơm gắp mắm.
Nhưng sự việc năm sinh viên tử vong sau khi uống rượu không rõ xuất xứ; hai người thiệt mạng sau khi ăn bánh mì và chả lụa mua trên đường… là những chuyện đau lòng, không để tái diễn.
Lợi ích đen đằng sau thực phẩm bẩn
Việc sử dụng hóa chất độc hại bị cấm trong sản xuất thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối. Đằng sau những món ăn ưa thích của nhiều người là cả một quy trình chế biến bất chấp rủi ro cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng.
Chất độc mà các đối tượng sử dụng để làm giá (đã được phát hiện tại hai cơ sở làm giá đỗ ở Quảng Ngãi) là hóa chất kích thích tăng trưởng. Đây là chất có thể gây ngộ độc cấp tính, nguy hại đến người ăn.
Đáng sợ hơn, hai cơ sở này đã từng bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động hai tháng vì hành vi sử dụng chất, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hồi đầu năm nay.
Chuyện hãi hùng về giá đỗ đã xảy ra nhiều nơi. Nhiều loại thực phẩm hiện bị “tẩm ướp” bằng các chất hóa học để trông đẹp mắt, hấp dẫn hơn. Từ các loại thịt đến xúc xích, lạp xưởng, cá viên, chả cá có thể bị thêm các chất phụ gia, chất làm đông, tạo độ dai, giòn.
Hải sản đông lạnh bị ngâm qua các dung dịch hóa chất có thể giữ được màu sắc tươi sáng. Một số loại rau củ quả có thể bị phun thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép hoặc ngâm qua các dung dịch hóa chất nhằm bảo quản lâu hơn.
Rồi thực phẩm sấy khô, nước ngọt, đồ uống có gas, một số loại rượu, bia… cũng không ngoại lệ, đều được thêm các chất tạo màu, tạo ngọt nhân tạo.
Nguyên nhân sâu xa của hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, mất an toàn nhằm vì lợi nhuận. Để gia tăng lợi nhuận lên tối đa, nhiều người sẵn sàng bất chấp hậu quả, sức khỏe người tiêu dùng.
Lòng tham và sự thiếu trách nhiệm đã đẩy con người đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chưa đủ chặt chẽ, có một thực tế là ý thức của người sản xuất, chế biến cũng còn hạn chế.
Sự thiếu hiểu biết về tác hại của việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm tác hại không kém việc cố tình vi phạm để thu lợi bất chính.
Tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và khởi tố hình sự các vụ việc như ở Quảng Ngãi vừa qua là biện pháp cần được tiếp tục xem xét áp dụng rộng hơn. Việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất thực phẩm là một hành vi vô cùng nguy hiểm.
Đáng sợ hơn cả những biểu hiện ngộ độc cấp tính là nguy cơ ngộ độc mạn tính do tiếp nhận chất độc hại vào cơ thể trong thời gian dài.
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm có trách nhiệm với bản thân và gia đình, mỗi người cần góp sức với bảo vệ an toàn thực phẩm. Trước hết, mạnh dạn tố cáo đến cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi “tẩm độc” vào người khác bằng thực phẩm.
Tuyên chiến với thực phẩm bẩn bảo vệ người tiêu dùng cũng là để đảm bảo công bằng cho những tổ chức, cá nhân kinh doanh trung thực, có tâm. Nhiều thương hiệu lớn đi lên từ gánh hàng nhỏ.
Chinh phục lòng tin của khách hàng bằng đạo đức kinh doanh thì chắc chắn lợi nhuận sẽ tự tìm đến.