TS Vũ Thị Quế Anh, Khoa Mắt (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, lác mắt (hay còn gọi là lé mắt) là hiện tượng 2 mắt không cùng một trục nhìn. Một mắt có thể quay vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới, trong khi mắt còn lại nhìn thẳng.
Khi một mắt đưa vào trong, bệnh nhân bị lác trong. Khi một mắt đưa ra ngoài, bệnh nhân bị lác ngoài. Khi 2 mắt không đồng trục, các hình ảnh gửi tới não ở mỗi mắt sẽ rất khác biệt để có thể kết hợp 2 ảnh thành 1.
“Nếu lác không được điều trị, não có thể bắt đầu từ chối nhận hình ảnh từ mắt đang ở hướng khác so với trục nhìn chính. Điều này dẫn tới hiện tượng giảm thị lực hay còn gọi là nhược thị”, bác sĩ Quế Anh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ, có rất nhiều loại lác mắt khác nhau. Thông thường, lác được phân chia theo hướng lác. Các loại lác thông thường bao gồm lác trong, lác ngoài, và lác đứng.
Lác cũng có thể phân loại theo nguyên nhân gây ra:
– 3 trong số 12 dây thần kinh sọ (III, IV, VI) liên quan chi phối các cơ vận nhãn và liệt các dây thần kinh này có thể gây ra lác.
– Do chấn thương, do bệnh lý mạch máu như tai biến mạch máu não, hoặc do bệnh lý tuyến giáp…
– Một số chứng lác đặc biệt có thể có tên riêng như hội chứng Brown, hội chứng Duane, hội chứng Ciancia…
Lác mắt có thể điều trị được không?
Bác sĩ Quế Anh cho biết thêm lác thường gặp ở trẻ nhỏ và nếu trẻ không được điều trị lác sớm có thể dẫn đến nhược thị do lác.
Hiện nay, điều trị lác bao gồm các phương pháp phẫu thuật và các phương pháp không phẫu thuật để chỉnh sự lệch trục nhãn cầu.
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật
Kính gọng hoặc kính tiếp xúc: Cải thiện thị lực và sử dụng điều trị những trường hợp lác do diều tiết.
Sử dụng lăng kính: đây là loại kính đặc biệt sử dụng điều trị lác. Lăng kính có phần đáy dầy và phần đỉnh mỏng hơn, và tùy thuộc vào hướng lác mà đáy lăng kính được điều chỉnh hướng ra ngoài hoặc hướng vào trong.
Kính có tác dụng chỉnh hướng ánh sáng đi vào mắt và giảm sự lệch trục của mắt bị lác khi nhìn vào vật tiêu.
Các bài tập thị giác: Bác sĩ nhãn khoa sẽ hướng dẫn các bài tập thị giác để cải thiện và điều chỉnh sự phối hợp 2 mắt. Hai mắt sẽ được tập luyện để kích thích các hoạt động trên não, bằng cách thúc đẩy mắt đáp ứng các dấu hiệu từ não và ngược lại.
Các phương pháp điều trị phẫu thuật
Tùy mức độ lác, thị lực 2 mắt, hình thái lác, sự vận động các cơ mà phẫu thuật viên có thể chỉ định các phương pháp khác nhau như lùi cơ, lùi cơ chỉnh chỉ, rút cơ hoặc di thực cơ để đạt được sự điều chỉnh phù hợp.
Mục tiêu điều trị lác là đưa 2 mắt về đồng trục; Cải thiện thị lực 2 mắt tối ưu nhất có thể; Giúp 2 mắt có thể hoạt động phối hợp (duy trì thị giác 2 mắt); Cải thiện về phương diện thẩm mĩ.
Phòng ngừa lác mắt
Các chuyên gia về mắt cho hay, để phòng ngừa lác mắt có thể lưu ý một số điều sau:
– Đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, nên được khám thị lực định kỳ để bác sĩ có thể kiểm tra nhằm phát hiện bất thường.
– Những người bị chấn thương có liên quan tới vùng đầu, mắt cũng cần được kiểm tra.
– Với những gia đình có người từng bị lác hoặc thị lực suy giảm, cần đưa trẻ đi khám thị lực sớm và thường xuyên theo dõi những biểu hiện bất thường của mắt.
– Những người có tật khúc xạ hoặc tổn thương não, đái tháo đường, từng đột quỵ có thể theo dõi, thăm khám thường xuyên hơn.
– Tăng cường thức ăn có thể cung cấp nhiều vitamin A, B, C, omega 3 như: cá hồi, ớt chuông, khoai lang, cà rốt, thịt gia cầm… để đôi mắt luôn khỏe mạnh.
Với những người đã mắc bệnh, đang trong thời gian điều trị, cần tuân thủ nghiêm sự chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là nên chú trọng thường xuyên luyện tập để tăng thị lực cho mắt. Thăm khám đúng lịch. Bệnh không gây nguy hiểm tới tính mạng song cũng không nên chủ quan bởi phát hiện sớm đồng nghĩa với khả năng chữa khỏi cao hơn.