Mua thuốc theo đơn nhiều khi không dễ, dù thuốc rất nhiều.
Nhà thuốc tư vấn hoặc tự ý đổi thuốc
Tại các cửa hàng thuốc từ miền quê đến các thành phố lớn, không khó gặp phải tình trạng người bán thuốc tư vấn, bán các loại thuốc khác so với thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.
Đưa toa thuốc cho nhân viên nhà thuốc tại phố Chiến Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) bao gồm kháng sinh A hàm lượng 0,5g, B 0,25g và C 10mg, sau một hồi kiểm tra, nhân viên nhà thuốc nói thuốc C đang tạm hết hàng và tư vấn chuyển sang một loại thuốc khác có cùng hoạt chất với giá nhỉnh hơn một chút.
Khi được hỏi việc thay đổi loại thuốc có cần thông báo cho bác sĩ điều trị không thì người này tư vấn không cần, bởi các loại thuốc này đều có thành phần giống nhau, không ảnh hưởng đến việc điều trị.
Bà Hoa (50 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cũng đã từng được nhân viên nhà thuốc tư vấn đổi loại thuốc điều trị cao huyết áp khiến bà phải nhập viện vì dị ứng thuốc. Bà Hoa bị huyết áp nhẹ nên chưa phải dùng thuốc thường xuyên.
Theo quy định hiện hành phải tuân thủ bán theo đúng toa, đảm bảo thuốc đúng chất lượng và số lượng. Thế nhưng, vì một số lý do nhiều cửa hàng vẫn tự ý đổi thuốc của người bệnh.
Trong khi đó, người bệnh tin tưởng dược sĩ, mua các loại thuốc theo tư vấn mà không lường trước được những hiểm họa có thể xảy ra. Cũng có người bệnh phải loay hoay tìm loại thuốc theo đơn thuốc, thuốc theo nhu cầu sử dụng nhưng cũng gặp khó khăn.
Có người thân mắc bệnh đái tháo đường sống ở tỉnh Hải Dương, chị Cù Thị Hà (27 tuổi) cho hay thường xuyên phải mua thuốc ở Hà Nội để mang về. Chị Hà chia sẻ: “Nhiều lúc ra hiệu thuốc người ta cũng nói có thể đổi loại thuốc khác. Nhưng tôi nghĩ rằng cứ theo đơn thuốc bác sĩ là tốt nhất. Thuốc là để điều trị bệnh nên cần phải cẩn trọng”.
Bán thuốc online như thế nào?
Nhiều người lựa chọn việc mua thuốc không kê đơn và cả thuốc kê đơn trên các sàn thương mại điện tử. Thế nhưng, họ khó có thể phân biệt được thuốc có thật sự chất lượng hay không.
Mới đây, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Những đối tượng này sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Theo cơ quan chức năng, lợi dụng thói quen của người dân “tự kê đơn” thuốc chữa bệnh, kẽ hở trong quản lý kinh doanh dược phẩm, nhóm người này mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tá dược, in bao bì… sản xuất thuốc giả. Cơ quan chức năng đã thu giữ hàng ngàn hộp thuốc kháng sinh.
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng cùng với việc tùy tiện sử dụng thuốc danh mục kê đơn tràn lan tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không lường đến sức khỏe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Ngọc Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho rằng toa thuốc chính là trí tuệ của người thầy thuốc.
Để kê một đơn thuốc bác sĩ phải căn cứ vào đầy đủ tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, việc tự ý kê đơn hay tự đổi đơn thuốc mà bỏ qua tư vấn của bác sĩ là điều vô cùng nguy hại.
Bác sĩ Cường cho rằng việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử cần có khung pháp lý rõ ràng để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược, cho hay trong Luật Dược sửa đổi lần này có nhiều đề xuất liên quan đến việc quản lý kinh doanh dược, trong đó có bán thuốc online. Ông Dũng cũng cho rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu của người tiêu dùng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, lĩnh vực dược cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.
“Luật Dược đã bổ sung ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống sẽ cho phép kinh doanh trên sàn thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, một số trường hợp đặc biệt như trong dịch bệnh cần cách ly và Bộ Y tế/tỉnh thành công bố dịch.
Việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử cũng sẽ được quản lý, những cơ sở bán thuốc trên các sàn thương mại phải được cấp phép đầy đủ, có người chịu trách nhiệm chuyên môn, không được bán trên TikTok shop”, ông Dũng nêu.
Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ
Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Lê Việt Dũng cho biết có tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số bệnh viện. Tuy nhiên, có những bệnh viện hay doanh nghiệp còn thuốc nhưng không thể “điều chuyển” cho nhau.
Dự thảo Luật Dược sửa đổi sẽ đề xuất về cơ sở dữ liệu để nhìn trên hệ thống biết được nơi nào thiếu, nơi nào thừa, nhà thuốc nào còn để phân bổ, luân chuyển cho nhau.
Thời gian qua có doanh nghiệp nhập thuốc về nhưng bệnh viện không dùng hết, lãng phí nguồn thuốc, trong khi tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra.
* ThS Lê Ngọc Danh (trưởng Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM):
Các bệnh viện phải đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh
Tại các bệnh viện TP.HCM, thẩm quyền mua sắm thuốc giao cho các bệnh viện tự quyết định, chịu trách nhiệm. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải rà soát và đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh, trong trường hợp không xử lý được phải báo về Sở Y tế để có giải pháp can thiệp.
Một số bệnh viện đã báo với sở và sở đã can thiệp kịp thời. Gần đây nhất là Bệnh viện Nhi đồng TP thiếu một loại thuốc do công ty nhập khẩu thuốc bị muộn so với kế hoạch. Bệnh viện gửi văn bản lên sở, sở can thiệp thì công ty đã điều loại thuốc này từ các tỉnh khác về để cung ứng, Bệnh viện Nhi đồng TP có thuốc bình thường trở lại.
Trong một số trường hợp thiếu một hoạt chất thì bác sĩ vẫn có thể lựa chọn hoạt chất khác có tác dụng tương tự thay thế, theo phác đồ điều trị mà không ảnh hưởng đến khả năng điều trị cho người bệnh.