Ngày 14-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Hải Sơn (du khách Đà Nẵng) kể lại giây phút nghẹt thở chứng kiến nữ bác sĩ cứu con mình thoát nạn trong gang tấc.
Hoảng loạn khi nghe con cầu cứu
Anh Sơn cho biết gia đình anh từ Kon Tum đến TP Đà Nẵng du lịch và thăm người thân. Ngày 11-10, khi đang chở vợ con đi trên đường phố Đà Nẵng, con gái anh Sơn là cháu Nguyễn Ngọc Khuê (5 tuổi) không may bị hóc kẹo vào đường thở.
Anh Sơn kể ban đầu anh khá bình tĩnh, thực hiện các động tác đẩy ngực và vỗ lưng để xử trí hóc dị vật như kiến thức đã trang bị.
“Tuy nhiên khi thực hiện 5-6 lần mà viên kẹo vẫn không ra được. Nghe con ú ớ gọi bố ơi cứu con, con không thở được, mình bắt đầu mất bình tĩnh và hoảng loạn.
Vợ mình hét lên đưa vô đây nhờ bác sĩ. Mình và vợ vội vàng ôm con chạy ngay vào trung tâm tiêm chủng Long Châu ở gần đó. Rất may mắn có nữ bác sĩ trẻ bình tĩnh cấp cứu, giúp con mình qua cơn nguy hiểm”, anh Sơn kể.
Anh Sơn bảo rằng nhà có con nhỏ hiếu động, anh cũng đã tìm hiểu cách thức sơ cấp cứu trẻ hóc dị vật trước đó. Anh còn cẩn thận mua cả bộ hút dị vật ra khỏi đường thở của trẻ. Nhưng không ngờ khi nghe con gọi bố cùng với tình trạng nguy cấp, anh lại không giữ được bình tĩnh.
Anh Sơn cho biết sau khi nữ bác sĩ cấp cứu con, vợ chồng anh có nói lời cảm ơn nhưng vội đi vì bận việc gấp nên chưa chia sẻ được nhiều. “Gia đình mình rất biết ơn và sẽ coi bác sĩ An như người mẹ thứ hai của con mình vậy”, anh Sơn chia sẻ.
“Ai cũng làm như tôi”
Đoạn video chia sẻ khoảnh khắc nghẹt thở nữ bác sĩ cứu cháu bé được ghi lại qua camera an ninh sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ vui mừng khi chứng kiến cháu bé thoát nạn và cảm phục sự bình tĩnh của nữ bác sĩ trong giây phút ấy.
Chị Võ Thị An (26 tuổi), bác sĩ làm việc tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu – 441 Ngô Quyền, Sơn Trà, Đà Nẵng, là nữ bác sĩ cấp cứu cháu bé bị hóc kẹo trong đoạn clip, nói rằng nếu bác sĩ nào gặp trường hợp như vậy cũng sẽ xử trí giống mình.
Bác sĩ An kể hôm đó khi đang làm việc, bất ngờ thấy ba mẹ đưa cháu bé vào trong tình trạng hoảng loạn.
“Vì ba mẹ hoảng loạn, nên mình phải hết sức bình tĩnh để trấn an ba mẹ và xử trí nhanh cho bé. Lúc đó cháu bé khó thở nhưng vẫn khóc được nên tôi đánh giá tình trạng và dùng nghiệm pháp Heimlich để cấp cứu cho bé. Trong khoảng 1 phút xử trí, viên kẹo đã được tống ra khỏi đường thở của cháu, cháu bé bình thường trở lại”, bác sĩ An kể lại.
Bác sĩ An cũng khuyến cao ai cũng nên trang bị kỹ năng sơ cấp cứu hóc dị vật để giúp những người xung quanh trong các trường hợp nguy cấp.
Nghiệm pháp Heimlich là phương pháp được sử dụng khi tắc nghẽn đường thở nặng và đe dọa tính mạng do dị vật hoặc do thức ăn và ai cũng có thể thực hiện được. Quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh.