Quỹ Bảo hiểm xã hội dư hơn 1,2 triệu tỉ đồng từ cuối năm 2024
Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý.
Theo đó, với Quỹ bảo hiểm xã hội (quỹ sử dụng chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm), tổng số thu theo chế độ, bao gồm cả kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển quỹ để chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ước đạt 410.300 tỉ đồng, tăng 5,2% (20.500 tỉ đồng) so kế hoạch.
Dự kiến đến hết 2024 đạt khoảng 20 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 8,79% (1,255 triệu người) so với năm 2023, bằng gần 43% lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm.
Tổng số chi của quỹ ước khoảng trên 352.000 tỉ đồng, đạt 109,2% (tăng 29.800 tỉ đồng) so với kế hoạch, trong đó chi chế độ bảo hiểm xã hội từ quỹ khoảng 300.000 tỉ đồng. Chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp là 522.000 tỉ đồng, tăng 9,3% (4.500 tỉ đồng).
Chênh lệch thu – chi quỹ năm 2024 ước khoảng 58.100 tỉ đồng. Số dư quỹ cuối năm 2024 dự kiến khoảng hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 4,9% (58.100 tỉ đồng) so cuối năm 2023, trong đó chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
HSBC nói tăng trưởng kinh tế Việt Nam gây “bất ngờ”
Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam đã ghi nhận sự “bất ngờ” trong tháng 9.
Cụ thể, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn kỳ vọng trong quý 3-2024 với GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng có những lo ngại về tác động của siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam trong vòng 70 năm, có thể kéo tụt tăng trưởng. Các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đầu tháng 9 với thiệt hại được ước tính hơn 3 tỉ USD.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Sản xuất và thương mại duy trì ổn định và tiếp tục dẫn dắt công cuộc phục hồi trong khi lĩnh vực trong nước tương đối yên ắng dù cũng có những cải thiện nhất định.
Với diễn biến “bất ngờ tích cực” trong quý 3-2024, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức dự báo trước đó là 6,5%, còn dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%.
HSBC cũng giữ nguyên dự báo lạm phát và lãi suất chính sách trong bối cảnh các rủi ro bên ngoài vẫn nằm ngoài phạm vi đáng quan tâm.
Thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành cổ phiếu không báo cáo, một doanh nghiệp bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty CP AAV Group (AAV).
Theo đó, doanh nghiệp này phạt 175 triệu đồng do không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán hoặc phát hành tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) gần nhất.
Trong đó, ngày 5-10-2021, Hội đồng quản trị AAV Group đã thông qua Nghị quyết về việc thay đổi số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thực hiện báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên gần nhất (năm 2022) về việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ năm 2021.
Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thông qua đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán hoặc phát hành chứng khoán riêng lẻ năm 2021.
Tiếp đến, AAV còn bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; Bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
Có tới 1,3 triệu người Việt sống chung với bệnh mạch vành
Phát biểu tại hội nghị khoa học tim mạch can thiệp toàn quốc lần 10 tổ chức 2 ngày 10 và 11-10, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết trong 2 năm qua, số lượng ca tim mạch cần can thiệp đã tăng gần 20% so với trước, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.
Hiện ước tính có 1,3 triệu người Việt sống chung với bệnh mạch vành, mỗi năm có khoảng 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật can thiệp, trong đó có 1/2 là can thiệp đặt stent mạch vành thực hiện để cứu sống bệnh nhân.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn, mạch máu ngoại biên…
Việt Nam đã có 6 trung tâm được chứng nhận quốc tế là trung tâm độc lập can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông, trong đó có 2 trung tâm trở thành trung tâm đào tạo kỹ thuật này.
Tại hội thảo, có trên 200 chuyên gia đầu ngành tim mạch trong nước và quốc tế, với hơn 50 phiên thảo luận khoa học. Các vấn đề được chú ý tại hội thảo như những tiến bộ trong can thiệp động mạch vành phức tạp, can thiệp vôi hóa, can thiệp có chẩn đoán hình ảnh trong lòng mạch, xu hướng tiếp cận đa mô thức, đa ngành…
Trên 80% người mù ở Việt Nam mắc bệnh có thể phòng và chữa được
Ngày thứ 5, tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là Ngày thị giác thế giới. Năm nay, Bệnh viện Mắt trung ương vừa tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thị giác thế giới với khẩu hiệu “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”.
Theo Bệnh viện Mắt trung ương, hiện tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù hoặc thị lực kém, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng, 80% người mù ở Việt Nam mắc bệnh có thể phòng và chữa được.
Các nguyên nhân gây mù chính ở Việt Nam là bệnh đục thủy tinh thể (chiếm hơn 66%), kế đến là bệnh đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ… Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị) ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, chiếm 15-20% ở thanh thiếu niên nông thôn, 40-50% thanh thiếu niên đô thị.
Riêng lứa tuổi 6-15 ước tính có 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, 2/3 trong đó bị cận thị.