Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết ung thư lưỡi là một loại ung thư thuộc vùng đầu, cổ… khi các tế bào bất thường bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát được.
Yếu tố nào nguy cơ gây bệnh?
Mỗi năm Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận thăm khám và điều trị cho khoảng 50-100 bệnh nhân ung thư lưỡi.
Ung thư lưỡi nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực có thể điều trị thành công, nhưng nếu phát hiện muộn có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh.
Theo các bác sĩ, hiện chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ung thư lưỡi. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư lưỡi như những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng cao hơn so với người bình thường, trong đó có ung thư lưỡi.
Những người vừa hút thuốc vừa uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ lên đến 10-15 lần so với bình thường.
Bên cạnh đó vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích vào lưỡi lâu ngày dẫn đến dị sản… là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi.
Thiếu hụt nhiều loại vitamin như A, E, D, sắt… cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng. Nhiễm virus HPV, trong đó chủ yếu type 16 thường gặp trong các bệnh nhân ung thư khoang miệng.
Người thường xuyên ăn trầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, tỉ lệ này có thể lên tới 4-35 lần so với người không nhai trầu. Cuối cùng là tiền sử gia đình có người mắc ung thư khoang miệng hoặc ung thư lưỡi.
Triệu chứng dễ bị bỏ qua
Ở giai đoạn đầu của ung thư lưỡi, các triệu chứng thường nghèo nàn dễ bị bỏ qua. Ở giai đoạn này lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ.
Tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường… Một số bệnh nhân có hạch cổ ngay ở giai đoạn này.
Ở giai đoạn toàn phát người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh.
Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; nhổ ra nước bọt lẫn máu; hơi thở hôi do tổn thương hoại tử gây ra.
Có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được.
Đôi khi không có dấu hiệu loét mà là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, có màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của hoại tử ở phía dưới.
Giai đoạn tiến triển hơn thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới của lưỡi xuống sàn miệng gây đau đớn dữ dội, bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tính mạng.
Dựa vào tình trạng sức khỏe, vị trí u, tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh của từng người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi chính bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Có thể điều trị kết hợp hoặc riêng lẻ từng phương pháp.
Để phòng bệnh ung thư lưỡi, các bác sĩ khuyến cáo từ bỏ thói quen hút thuốc lá và uống rượu, vì đây là hai yếu tố nguy cơ cao nhất. Việc thăm khám răng miệng định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư lưỡi, từ đó có phương án điều trị kịp thời.
Ngoài ra, giữ gìn sức khỏe răng miệng tốt còn thúc đẩy sức khỏe toàn cơ thể và giữ tinh thần vui vẻ.
Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên lưỡi, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.