Đây là chia sẻ của BS Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam trong hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức ngày 3-10.
Thuốc lá điện tử là mối nguy hại mới
BS Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh chúng ta đang đối mặt với các vấn đề rất nghiêm trọng về thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử.
Chính thuốc lá đang gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, là tác nhân của hàng loạt các bệnh lý mạn tính và ung thư. Trong khi đó những cái chết này có thể phòng tránh được.
Theo BS Lâm hiện nay các công ty thuốc lá đang tìm mọi cách để tiếp cận các quốc gia bằng những luận điệu rằng có các loại thuốc lá ít hại hơn hay tài trợ cho các chương trình xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định những chính sách về kiểm soát thuốc lá do Bộ Y tế đề xuất hiện nay đều là vì lợi ích của sức khỏe nhân dân. Trong đó, Bộ Y tế đang đề xuất cấm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ và cộng đồng nói chung.
Còn ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết thời gian qua, Việt Nam đạt được một số thành tựu như tỉ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá đã gia tăng từ 40,5% năm 2015 lên 90% năm 2023.
“Tuy nhiên, thách thức mới đặt ra là thuốc lá điện tử. Theo nghiên cứu gần đây, chỉ trong 2 năm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 đến 15 tuổi đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023.
Sử dụng thuốc lá cao nhất nằm ở nhóm người trẻ tuổi (15 đến 24 tuổi) với tỉ lệ 7,3%. Thuốc lá điện tử chứa nicotine, gây nghiện tương tự thuốc lá điếu. Việc sử dụng tất cả các loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ”, ông Khoa nhấn mạnh.
Tăng cường chính sách để kiểm soát thuốc lá
Về Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Điều 5.3 FCTC, BS Lâm nêu rõ công ước này khuyến cáo các quốc gia tăng cường nhận thức của ngành công nghiệp thuốc lá; hạn chế và ban hành quy tắc ứng sử khi tương tác với công nghiệp thuốc lá; cấm các ưu đãi dành cho ngành công nghiệp thuốc lá; …
Lấy dẫn chứng về quốc gia tham gia công ước FCTC, bà Lê Thị Thu, cố vấn chính sách cao cấp tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không khói thuốc cho hay Philippines đã thực hiện rất tốt công ước này.
“Tham gia công ước FCTC năm 2005, đến năm 20210, Ủy ban dịch vụ dân sự và Bộ Y tế Philipines đã ban hành thông tư liên tịch, gồm bộ quy tắc ứng xử, quá trình giám sát/theo dõi thực hiện, xử phạt.
Nghiêm cấm cán bộ, công chức tương tác và nhận quà từ công nghiệp thuốc lá. Không nhận bất kỳ sự tài trợ, đóng góp nào của ngành công nghiệp thuốc lá trực tiếp hay gián tiếp.
Các cơ quan, đơn vị đã ban hành tổng cộng trên 70 văn bản phù hợp với Điều 5.3, gồm 25 cơ quan chính phủ như: Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và việc làm, Bộ Khoa học và Giáo dục, Cục Thuế nội bộ, Bộ Ngoại giao… ,
Những quy định của công ước đã được Philipinnes vận dụng để đưa vào cuộc sống, góp phần giảm tác hại thuốc lá trong cộng đồng”, bà Thu chia sẻ.
Ông Khoa cũng cho hay FCTC là công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe, là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của WHO. Cho đến nay đã có 182 quốc gia tham gia và Việt Nam đã phê chuẩn công ước FCTC từ năm 2004.
“Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa cái việc giám sát các cơ quan chức năng đối với ngành công nghiệp thuốc lá. Đặc biệt là những tài trợ hỗ trợ cho các cơ quan tổ chức có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá, các nhà nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu về vấn đề này”, ông Khoa nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát thuốc lá, ngăn chặn những nguy cơ mà các loại thuốc lá mới gây hại tới cộng đồng trong tương lai.