Giác mạc mẹ bác sĩ quân y thắp sáng cho người phụ nữ mù lòa

Bà T. vỡ òa hạnh phúc khi ca phẫu thuật thành công, đón sinh nhật đặc biệt trong bệnh viện – Ảnh: D.LIỄU

Người hiến tặng giác mạc cho bà T. chính là người mẹ 80 tuổi vừa qua đời của bác sĩ Nguyễn Lê Trung (làm việc tại Bệnh viện Quân y 103).

Trước đó, câu chuyện hiến tặng giác mạc của bà T. đã lay động cộng đồng với hình ảnh con trai bà ôm mẹ lần cuối sau khi thực hiện di nguyện của bà là hiến giác mạc, mang lại ánh sáng cho người khác.

Giác mạc của bà sau đó đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân, một trong hai người là bà T.

Ngày 30-9, bà T. tái khám sau 4 ngày phẫu thuật, cũng đúng dịp sinh nhật lần thứ 65 của bà.

Được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 gỡ băng gạc, bà T. rưng rưng khi có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh sau hơn 10 năm.

Trước đó, bà T. mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc và dần mất đi thị lực. Hơn 10 năm nay, bà không thể nhìn thấy người, vật xung quanh mình.

Bà luôn ao ước có thể sáng mắt trở lại để nhìn thấy người thân, tự chăm sóc bản thân. Ước mơ tưởng chừng không thể thành hiện thực, thế nhưng nay như một phép màu đến với bà.

“Tôi hạnh phúc vô cùng. Giờ tôi đã có thể nhìn thấy mọi người xung quanh, không còn sợ ánh sáng nữa. Tôi chỉ mong được về quê gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình.

Tôi biết ơn người đã cho tôi ánh sáng này và sẽ cố gắng gìn giữ đôi mắt mà bà đã để lại cho tôi”, bà T. xúc động.

Giác mạc mẹ bác sĩ quân y thắp sáng cho người phụ nữ mù lòa - Ảnh 2.

PGS.TS Hoàng Minh Châu (phải) thăm khám cho người bệnh – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chia sẻ về ca ghép giác mạc này, PGS.TS Hoàng Minh Châu – chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 – cho biết sau khi rà soát danh sách chờ ghép, một người phụ nữ hơn 60 tuổi có các chỉ số phù hợp đã được chọn ghép giác mạc.

Theo bác sĩ Châu, người nhận mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, đã phải sống trong cảnh mù lòa cả chục năm nay. Do nguồn giác mạc khan hiếm nên bà phải chờ đợi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác.

“Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả khá khả quan khi có thể nhìn được 1/10, có thể tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài tới đây”, bác sĩ Châu chia sẻ.

Người cao tuổi có thể hiến giác mạc?

Đọc câu chuyện cụ bà 80 tuổi hiến giác mạc khi qua đời, nhiều người băn khoăn liệu giác mạc của người cao tuổi có thể ghép cho người khác không?

Bác sĩ Châu giải thích giác mạc của người cao tuổi không thể có chất lượng tốt như người trẻ tuổi. Tuy nhiên khi lấy giác mạc từ người hiến tặng, các bác sĩ sẽ đánh giá rất kỹ về chất lượng giác mạc, dựa vào các chỉ số chuyên môn để quyết định giác mạc có thể ghép hay không.

“Có những người trẻ tuổi nhưng giác mạc cũng không đảm bảo chất lượng để ghép, nhưng cũng có những người lớn tuổi vẫn đảm bảo các chỉ số. Có những người hơn 100 tuổi vẫn hiến giác mạc và ghép thành công.

Hiện nay, rất nhiều người đang chờ được ghép giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể đem lại ánh sáng cho hai người khác. Bởi vậy, chúng tôi rất mong mọi người có thể lan tỏa nghĩa cử hiến mô, tạng cao đẹp để tiếp tục trao cơ hội cho những người đang chờ ghép mô, tạng”, bác sĩ Châu giải thích thêm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *