Nhiều trẻ bị chấn thương ‘vùng kín’ khi sinh hoạt, vui chơi mà cha mẹ không hay biết

TS Phạm Ngọc Thạch phẫu thuật cho bệnh nhi – Ảnh do bệnh viện cung cấp

Các bậc phụ huynh tuyệt đối lưu ý không tự ý đắp, bôi các loại lá cây, thuốc hoặc băng bó quá chặt vì có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử bộ phận sinh dục.

TS NGỌC THẠCH lưu ý

Trẻ bị chấn thương “vùng kín”, cần làm gì?

25 trường hợp bị chấn thương bộ phận sinh dục ngoài

Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng chục ca trẻ em phải nhập viện vì bị tổn thương vùng sinh dục, để lại hậu quả đáng tiếc.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận điều trị cho một bé trai 6 tuổi bị chấn thương dương vật. Bé bị chấn thương dương vật trong lúc bé đang chạy chơi thì bị té xuống đầm tôm khi quạt nước đang hoạt động. Phần dương vật của bé bị tổn thương nghiêm trọng, phần da dương vật bị mất hoàn toàn. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cầm máu, lấy da vùng bẹn tái tạo phần da thân dương vật cho bé.

BS CKI Phan Nguyễn Ngọc Tú, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ đầu năm đến nay Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 25 trường hợp chấn thương bộ phận sinh dục ngoài.

Ngoài nguyên nhân phổ biến là do trẻ hiếu động, chạy nhảy leo trèo không cẩn thận dẫn đến bị té, cũng không ít trường hợp trẻ bị tổn thương do bất cẩn của người lớn.

Cách đây không lâu một bé gái được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng vùng âm hộ bị sưng to, máu tụ lớn. Các bác sĩ phải phẫu thuật lấy máu tụ và điều trị kháng sinh nhiều ngày cho bé. Cha mẹ bé kể khi bé bị ngã, vùng âm hộ chỉ sưng nhẹ, nghĩ con không sao nên không đưa con đi khám. Đến khi con kêu đau nhiều mới đưa đến bệnh viện thì vết thương đã nghiêm trọng.

Hậu quả khó lường khi trẻ bị chấn thương vùng kín

Các trường hợp chấn thương bộ phận sinh dục bao gồm chấn thương vùng dương vật, chấn thương vùng bìu ở bé trai và âm hộ ở bé gái.

Nguyên nhân những chấn thương này rất đa dạng như té ngã, chấn thương thể thao, tai nạn xe đạp hoặc thậm chí là các sự cố liên quan đến thú cưng như chó cắn, dây kéo quần vướng hoặc đồ chơi.

BS CKII Huỳnh Thị Phương Anh, phó khoa ngoại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 các bác sĩ thường gặp những bé gái tập đi xe đạp bị té xe, bị rách âm hộ… Các bé này phần lớn ở độ tuổi 5-6 tuổi. Những trường hợp này khi vào bệnh viện các bác sĩ sẽ phải khâu lại vết thương, cầm máu cho bệnh nhi.

Bên cạnh tổn thương âm hộ ở bé gái thì tổn thương cơ quan sinh dục ở bé trai thường do đùa giỡn làm tổn thương niệu đạo, quy đầu, hoặc tổn thương bìu do chó cắn.

Bác sĩ Phương Anh thông tin thêm: những năm gần đây tổn thương hậu môn trực tràng cũng hay gặp ở trẻ, bên cạnh vết thương rách hậu môn thì dị vật hậu môn trực tràng cũng gặp phải. Các tình huống xảy ra chấn thương như trẻ đứng trên nắp bồn cầu trong khi đánh răng làm bồn cầu bể, những mảnh vỡ đã làm rách hậu môn, trực tràng. Trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển lấy cây chà toilet nhét vào hậu môn làm rách hậu môn…

Nhận biết sớm những dấu hiệu của chấn thương

Theo ông Phạm Ngọc Thạch – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ em luôn tò mò và thích khám phá, điều này thường dẫn đến những tai nạn không mong muốn. Trong số các loại chấn thương mà trẻ em có thể gặp phải, chấn thương bộ phận sinh dục ngoài là một vấn đề nhạy cảm và đáng lo ngại. Là phụ huynh, việc nhận biết các rủi ro, triệu chứng và cách xử trí phù hợp với những chấn thương này là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bé.

Theo bác sĩ Ngọc Thạch, việc nhận biết các dấu hiệu của chấn thương bộ phận sinh dục ngoài là cần thiết để có thể chăm sóc trẻ kịp thời và phù hợp. Những dấu hiệu cần lưu ý là trẻ đau hoặc khó chịu ở vùng sinh dục, sưng hoặc bầm tím, vết cắt hoặc trầy xước, máu trong nước tiểu, khó khăn hoặc đau khi đi tiểu, tiết dịch bất thường hoặc dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu phát hiện trẻ bị chấn thương ở bộ phận sinh dục, các bậc cha mẹ hãy bình tĩnh và làm theo các bước. Cụ thể là nhanh chóng nhưng cẩn thận kiểm tra vùng bị chấn thương để tìm dấu hiệu rõ ràng của chấn thương. Nếu có vết cắt hoặc trầy xước, nhẹ nhàng làm sạch vùng này bằng xà phòng nhẹ và nước để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sử dụng gói lạnh quấn trong vải để làm giảm sưng và làm dịu đau vùng chấn thương. Trong lúc này, các bậc cha mẹ cần động viên, giữ cho trẻ bình tĩnh để ngăn ngừa sự kích động hoặc chấn thương thêm.

Bác sĩ Phương Anh khuyên các bậc phụ huynh nên để mắt đến trẻ, cân nhắc xem trẻ 5-6 tuổi đã nên cho tập xe đạp hay chưa? Với những trẻ bị tăng động, chậm phát triển, tự kỷ… các bậc cha mẹ cần để ý đến trẻ nhiều hơn, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chú ý vết thương của con, không nên thấy nhẹ mà lơ là vì có khi vết thương rất nghiêm trọng nhưng không thấy ngay lúc đó.

Nếu thấy vết thương của trẻ chỉ bị bầm, sây sát cũng nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra xem bộ phận sinh dục có bị tổn thương không.

Các bác sĩ cho rằng chấn thương bộ phận sinh dục ngoài ở trẻ em có thể gây lo lắng cho phụ huynh, nhưng với kiến thức đúng đắn và hành động nhanh chóng, phụ huynh có thể quản lý và phòng ngừa hiệu quả những chấn thương này.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *