Não bộ của các thiếu nữ tuổi teen đã trải qua thời kỳ đại dịch COVID-19 có những dấu hiệu “lão hóa” sớm. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) và vừa được công bố trên tạp chí khoa học đa ngành Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách đo lường tình trạng mỏng vỏ não, một quá trình bắt đầu vào cuối thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên. Các nhà khoa học coi quá trình này là việc bộ não tự kết nối lại khi trưởng thành, làm tăng hiệu quả hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ tăng nhanh trong điều kiện căng thẳng và tình trạng mỏng vỏ não tăng nhanh thường liên quan đến chứng trầm cảm và lo âu.
Nhóm nghiên cứu trên đã bắt đầu khảo sát với một nhóm gồm 160 trẻ em và thanh thiếu niên với mục tiêu mô tả những thay đổi điển hình trong những năm tháng tuổi thiếu niên. Công việc quét hình ảnh vỏ não nhằm thu được những chỉ số cần thiết được tiến hành lần đầu vào năm 2018 khi các đối tượng nghiên cứu trong độ tuổi từ 9 – 17. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã khiến việc đo đạc lần thứ hai phải tạm ngừng.
Đến năm 2021 sau khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19 bắt đầu được dỡ bỏ, tất cả các đối tượng nghiên cứu đều không còn phải trải qua giai đoạn căng thẳng kéo dài vì đại dịch và khoảng 130 đối tượng đã trở lại để tham gia nghiên cứu đợt thứ hai.
Nhờ vậy, nghiên cứu so sánh được dữ liệu thu thập từ trước và sau đại dịch về sự phát triển của não bộ của nhóm này. Tiến sĩ Neva Corrigan – chủ nhiệm công trình nghiên cứu – cho rằng điều này giúp tạo ra một “thí nghiệm tự nhiên”.
Kết quả cho thấy, cả nam và nữ ở độ tuổi thanh thiếu niên đều bị mỏng vỏ não nhanh chóng trong giai đoạn trước và sau thời kỳ phong tỏa vì đại dịch. Tuy nhiên, tác động này đáng chú ý hơn nhiều ở nữ giới. Tình trạng mỏng vỏ não ở nữ đã tăng nhanh hơn, với mức độ lão hóa sớm trung bình là 4,2 năm, trong khi con số này đối với nam là 1,4 năm.
Theo tiến sĩ Patricia K. Kuhl, đứng đầu Viện Khoa học não bộ tại Đại học Washington và là một trong những tác giả của nghiên cứu, các kết quả trên cho thấy tác động lão hóa xảy ra trên toàn bộ não – tất cả các thùy ở cả hai bán cầu não.
Bà Kuhl cho rằng sự thay đổi này là do sự cô lập xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, và các thiếu nữ chịu ảnh hưởng nhiều hơn là do nhóm này phụ thuộc nhiều hơn vào tương tác xã hội, chẳng hạn như nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa để giải tỏa căng thẳng.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên sẽ đóng góp cho các nghiên cứu về sự suy giảm sức khỏe của thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch, đồng thời nhấn mạnh tình trạng vỏ não mỏng đi nhanh chóng không phải là dấu hiệu của tổn thương não bộ.
Tiến sĩ Ronald E. Dahl, giám đốc Viện Phát triển con người tại Đại học California, Berkeley và không tham gia vào nghiên cứu, cho biết tình trạng vỏ não mỏng đi không nhất thiết là dấu hiệu của một vấn đề, mà có thể là dấu hiệu của sự thay đổi trưởng thành.
Mặc dù một số nghiên cứu não trước đây đã phát hiện ra rằng căng thẳng do đại dịch đã đẩy nhanh quá trình mỏng vỏ não, nhưng không có nghiên cứu nào so sánh những thay đổi như vậy giữa nữ và nam ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định liệu những thay đổi nói trên có phải là vĩnh viễn hay không, hoặc liệu khi các tương tác xã hội bình thường được khôi phục, thì quá trình phát triển não của thanh thiếu niên có trở lại mức bình thường hay không.