Những mẹo chọn và xử lý mít chín nhanh tự nhiên dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn có được những quả mít chín thơm ngon và an toàn khi sử dụng.
Cũng như nhiều loại trái cây khác, muốn ăn mít sạch – ngon – bổ thì phải chọn mít chín cây, tránh mua phải mít ngâm hoá chất không ngon lại còn độc hại. Dưới đây là cách nhận biết mít chín cực dễ từ việc quan sát bên ngoài đến nhận biết mùi thêm để bạn có thể chọn được trái mít như ý.
Cách chọn mít chín ngon
- Nên chọn những trái mít đều, không có sự chênh lệch lồi lõm trên quả mít. Vì những chỗ lõm và eo của trái mít thường dễ bị sâu, có nhiều xơ hoặc cứng.
- Quan sát phần gai mít đã nở hết, đầu gai tròn và đều nhau là mít đã chín ngon.Với những trái mít còn non, chưa chín thường có vỏ ngoài màu xanh, gai mít nhọn và khoảng cách giữa các gai mít dường như gần nhau.
- Vỏ mít ngả màu vàng.
- Ấn vào trái mít thấy đã mềm, vỗ vào nghe bịch bịch.
- Mít có mùi thơm nồng nàn, dù đứng xa 3-4 mét bạn cũng có thể ngửi thấy mùi mít chín. Với trái mít bị tiêm thuốc thì dường như không có mùi thơm lừng giống như mít chín cây.
- Múi mít có màu vàng óng, bóng mướt còn xơ mít có màu trắng hay vàng nhẹ.
- Với loại mít chín tự nhiên, khi bổ ra lượng nhựa (mủ) trắng hầu như không có và ít hơn. Trong khi mít bị ngâm hóa chất thường có dòng nhựa trắng chảy ra từ phía ruột mít.
Cách xử lý mít chín nhanh một cách tự nhiên
Trái mít mua về đã già nhưng chưa chín hẳn, bạn nóng lòng muốn thưởng thức thì có thể giúp mít nhanh chín bằng phương pháp tự nhiên thay vì dùng hóa chất.
- Phơi nắng: Bạn đem quả mít đặt nơi có ánh nắng mặt trời và chờ đợi. Chỉ một buổi hoặc một ngày, trái mít sẽ chuyển từ trạng thái cứng sang mềm và có mùi thơm hấp dẫn là đã chín rồi bạn nhé.
- Đóng cọc: Đầu tiên, bạn tìm một khúc gỗ hay cọc tre, đem đi vót nhọn rồi nung thật nóng trên ngọn lửa. Tiếp đó, bạn cắt ngang phần cuống, đóng cây này từ phần cuống vào sâu chính giữa dọc lõi quả mít. Cách làm mít chín bằng phương pháp này nghe có vẻ lạ nhưng khá hữu hiệu.
- Quét vôi: Khi muốn kiểm tra mít đã chín hay chưa thì bạn nên dùng dao cắt thử vào vai của mít, nếu mít vẫn còn sống thì bạn cần quét lớp vôi lên đó để làm cho phần mủ mít trôi ra ngoài. Sau một thời gian thấy gai mít mềm và có mùi thơm thì mít đã chín.
- Ủ chín tự nhiên: Đôi khi trái mít tự rụng hoặc đã già hái xuống 1-2 ngày nhưng lại chưa mềm và có mùi thơm bên trong, hãy thử bôi một lớp vôi vào phần đầu cuống, rồi đem ủ nơi thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp để cho mít chín tự nhiên. Thời gian để mít chín thường từ 2-5 ngày, tùy điều kiện của môi trường xung quanh.
Những người tuyệt đối không được ăn mít
Bệnh gan nhiễm mỡ: Mít là loại quả có rất nhiều dinh dưỡng và vitamin. Nhưng loại quả này cũng chứa nhiều đường không tốt cho gan và còn dễ gây nóng trong người. Những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng, nên cẩn thận khi ăn trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như mít.
Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn “kiêng chất đường”. Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.
Bệnh suy thận mạn: Bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Thận suy nên không làm tốt chức năng của mình khiến kali bị ứ đọng lại, dẫn đến tăng kali máu. Nếu kali trong máu tăng quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu nào báo trước.
Người bị suy nhược, sức khỏe yếu: Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim phải làm việc nhiều có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp.
Các bệnh mãn tính: Những người có bệnh mãn tính chỉ nên ăn thưởng thức mà thôi, không nên ăn quá nhiều, tối đa chỉ khoảng 3 – 4 múi/ngày.
Những người tuyệt đối không được ăn mít
Cách ăn để phát huy hết giá trị của mít
– Chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1 – 2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến bị đầy bụng, khó tiêu…
– Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3 – 4 múi mít/ngày).
– Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
– Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.
– Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít thì cần bổ sung đủ nước (2 – 2,5l/ngày) và rau xanh (200 – 300g/ngày).