Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), bệnh nhân (nam, 35 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) có tiền sử viêm tụy, rối loạn chuyển hóa lipid.
Bệnh nhân xuất hiện đau bụng, mức độ đau tăng dần, bụng chướng nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê điều trị lúc 23h ngày 26-8.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau bụng, có phản ứng thành bụng vùng hạ sườn phải và thượng vị, hội chứng nhiễm trùng rõ, xét nghiệm chỉ số mỡ máu tăng trên 20 lần so với bình thường, chụp cắt lớp vi tính cho kết quả viêm tụy cấp Balthazar C. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp, chỉ định lọc máu thay huyết tương.
Sau hơn 2 giờ lọc máu và thay thế huyết tương bằng albumin, 5000 ml huyết tương có màu trắng đục được đưa ra ngoài cơ thể.
Hiện tại, bệnh nhân đỡ mệt, đỡ đau bụng, các chỉ số xét nghiệm trở về gần với mức bình thường, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa cấp cứu.
Lý do nào gây viêm tụy cấp?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trung tâm Y tế Cẩm Khê), viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó khoảng 7% là do mỡ máu. Khi mỡ máu tăng cao dẫn đến tắc nghẽn ở các mao mạch tụy, gây thiếu máu nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là gây ra hoại tử mô và toan hóa máu, đây chính là dấu hiệu viêm tụy cấp.
Đồng thời Triglyceride tác dụng nhanh với men lipase của tụy tạo thành các axit béo tự do với nồng độ cao. Khi đó, các tế bào tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc và hình thành các tổn thương tại chỗ gây ra viêm tụy cấp.
Mỡ máu cao không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn gây nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc động mạch, Gan nhiễm mỡ…
“Mọi người cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu), lòng động vật, tôm; Tăng cường thể dục thể thao giúp ‘đốt cháy’ mỡ thừa trong cơ thể và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh”, bác sĩ Nhung khuyên.
TS Ngô Thị Hoài, khoa cấp cứu tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ thêm: “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác.
Nếu mỡ máu của bệnh nhân không được điều trị, nguy cơ viêm tụy cấp tái phát và tiếp đó sẽ dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.
Bệnh nhân bị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu nên đến khám và điều trị mỡ máu duy trì kiểm soát mỡ máu bằng chế độ ăn, cân nặng và thuốc. Đặc biệt người trẻ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu mà có kèm uống rượu thì tình trạng bệnh sẽ nặng và nguy cơ rất cao xảy ra viêm tụy và các bệnh lý tim mạch chuyển hóa.
BS Nguyễn Đình Phú, Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gợi ý chế độ ăn phòng biến chứng viêm tụy cấp tái phát:
– Chia nhỏ bữa ăn (3 bữa chính; 1-2 bữa phụ).
– Bữa sáng có rau xanh ăn kèm.
– Rau xanh: 300-400g/ngày + quả chín: 100g/ngày (không ăn sau ăn).
– Các loại rau nên ăn như: cà rốt, cà chua, gấc, rau cải bó xôi, súp lơ xanh hoặc các loại rau lá xanh đậm (rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau lang, rau muống, các loại đậu quả …).
– Uống đủ nước (khoảng 1,5 lít/ngày).
– Không được uống rượu, bia, bỏ thuốc lá.
– Hạn chế thức ăn xào rán, tăng luộc hấp.
– Vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, ≥4 ngày/tuần.
– Nêu uống thêm bột ngũ cốc hoặc sữa bán thủy phân vào các bữa phụ để nhanh hồi phục sức khỏe.