Lần đầu tiên ứng dụng phần mềm AI (Annlise CXR Edge), một sản phẩm trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới có khả năng phân tích tự động, toàn diện và chính xác gần như tất cả dấu hiệu trên phim X-quang lồng ngực, có mặt tại Thạnh An – xã đảo duy nhất của TP.HCM.
Ít ai biết rằng sản phẩm gây “sốt” trong giới y khoa thế giới lại được nghiên cứu bởi hai cựu du học sinh Việt Nam tại Úc, cũng là hai anh em ruột Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng. Món quà đặc biệt ý nghĩa này được dành tặng chăm sóc sức khỏe cho bà con Thạnh An (Cần Giờ) vào cuối năm 2022.
Từ nước Mỹ, TRẦN ĐẶNG MINH TRÍ (sinh năm 1986) nói với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi lần đầu đưa được công nghệ hiện đại này về quê hương, đặc biệt đối tượng thụ hưởng lại là những người dân sống ở địa bàn khó khăn về y tế như xã đảo Thạnh An”.
AI tầm soát 95 biểu hiện sức khỏe bất thường
* Xin bắt đầu bằng câu chuyện trao tặng máy chụp X-quang ứng dụng AI cho xã đảo Thạnh An. Từ đâu, ông có ý tưởng này trong khi giá thành của sản phẩm không hề rẻ…?
– Tôi và em trai ruột Trần Đặng Đình Áng sinh ra, lớn lên và học tập tại TP.HCM. Khi công tác ở nước ngoài, tôi đã có cơ hội làm việc về lĩnh vực y tế tại Việt Nam trong thời gian dài.
Được đồng hành với nhiều đơn vị trong lĩnh vực đào tạo, quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện…, chúng tôi hiểu được thách thức của ngành y tế khi còn thiếu nhiều bác sĩ, đặc biệt ở những vùng đất xa xôi như xã đảo Thạnh An rất khó tuyển dụng bác sĩ về công tác, điều này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn khi đau ốm cần thăm khám.
Năm 2022, trong một dịp về Việt Nam, chúng tôi đã gặp PGS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – và được biết những khó khăn của hệ thống y tế tại xã đảo Thạnh An.
Và đó cũng chính là cơ duyên để chúng tôi thực hiện mong muốn ứng dụng AI về xã đảo. Máy X-quang tích hợp AI tại xã đảo chính là tấm lòng từ quỹ từ thiện ASIF (Australasia Impact Foundation), do hai anh em chúng tôi và một số bạn bè ở Úc đóng góp.
* Máy chụp X-quang ứng dụng AI này có gì đặc biệt so với các máy X-quang thông thường, thưa ông?
– Việc ứng dụng AI vào máy chụp X-quang lập tức tầm soát một cách dễ dàng đối với 95 biểu hiện bất thường trong người bệnh khi người dân cần khám sức khỏe tổng quát hoặc nhập viện cấp cứu, như từ lao phổi, ung thư phổi đến bệnh phổ biến hơn như viêm phổi, gãy xương sườn…
Đồng thời máy sẽ truyền tải hình ảnh và kết quả đến bác sĩ tuyến trên rất nhanh, giúp người dân xã đảo không phải di chuyển xa nhưng vẫn được các bác sĩ có chuyên môn đọc kết quả. Việc chụp X-quang cũng rất đơn giản, không khác nhiều so với máy X-quang thông thường.
* Kết quả sau hai năm triển khai máy chụp X-quang ứng dụng AI tại xã đảo Thạnh An đến đâu, thưa ông?
– Qua hai năm triển khai, vừa qua Ngân hàng Thế giới – World Bank có tham gia đánh giá cho thấy kết quả rất khả quan. Báo cáo của các chuyên gia y tế cho thấy việc cung cấp dịch vụ X-quang ngực có hỗ trợ của AI cải thiện sự hài lòng của người bệnh, giảm chi phí liên quan đến dịch vụ X-quang ngực và tăng số người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã đảo Thạnh An.
Ứng dụng AI và PACs (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) trong chẩn đoán X-quang phổi của anh em Đình Áng và Minh Trí mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên hệ thống chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ AI được ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt lại ở một xã đảo cách xa đất liền như Thạnh An.
Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG (giám đốc Sở Y tế TP.HCM)
Làm hết sức để cải thiện năng lực y tế
* Máy chụp X-quang di động ứng dụng AI đã được ứng dụng ở các nước chưa, hiệu quả ra sao, thưa ông?
– Hiện chúng tôi ra mắt nhiều sản phẩm và đến nay đã có hơn 6 triệu người bệnh tại những bệnh viện hàng đầu ở 10 quốc gia trên thế giới triển khai, từ Úc, Anh Quốc đến Hoa Kỳ.
Kết quả thực hiện nghiên cứu cùng các cộng sự ở Scotland (Anh Quốc) về việc ứng dụng AI trên X-quang cho thấy có thể tìm được tế bào ung thư phổi giai đoạn sớm và sớm hơn 10 tháng so với tầm soát qua máy X-quang thông thường.
Ngành y tế Scotland ước tính việc chẩn đoán sớm này có thể cứu sống hàng trăm người bệnh mỗi năm. Kết quả này rất có ý nghĩa trong việc phòng bệnh hơn chữa bệnh và chữa càng sớm càng tốt, đặc biệt là những bệnh lý tiến triển nhanh như ung thư phổi.
* Là người có nhiều cơ hội làm việc với nhiều nước trên thế giới, ông đánh giá y tế Việt Nam đứng ở vị trí nào trên bản đồ khu vực và thế giới?
– Nhìn từ góc độ của cá nhân, tôi thấy ngành y tế Việt Nam đã tốt lên nhiều so với những năm trước. Hiện y tế nước ta tương tự với Indonesia, Malaysia…, tuy chưa bằng những nước có thu nhập cao như Singapore, Anh, Úc…
Tác giả của công nghệ “chấm điểm” phôi thai
* Được biết ngoài máy chụp X-quang ứng dụng AI kể trên, ông và em trai đã phát minh AI lựa chọn phôi thai gây kinh ngạc đối với các chuyên gia trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)…
– Phát minh AI đầu tay của chúng tôi là ứng dụng AI lựa chọn phôi thai vào năm 2018. Đây chính là nền tảng để chúng tôi phát triển những AI khác, chẳng hạn như X-quang lồng ngực.
Tuy vậy, chúng tôi thấy lĩnh vực điều trị hiếm muộn còn khá hẹp, ít người tiếp cận được. Trong khi mong muốn có thể ứng dụng AI chẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực lớn hơn, cụ thể là X-quang lồng ngực, vì có rất nhiều người cần chụp chiếu khi khám sức khỏe, cấp cứu, nhập viện… Sau đó, chúng tôi phát minh thêm máy CT sọ não ứng dụng AI cho bệnh nhân bị đột quỵ hoặc tai nạn giao thông.
Ở TP.HCM, chúng tôi vừa hợp tác triển khai AI X-quang lồng ngực và CT sọ não thành công tại Bệnh viện Gia An 115.