Đang gánh lúa, mắc bạch hầu về không quét được nhà

Các khách mời của talkshow – giao lưu trực tuyến “Bệnh bạch hầu và những điều cần biết”, từ trái sang: PGS.TS Trần Đắc Phu, BS.CK1 Bạch Thị Chính, TS.BS Huỳnh Trung Triệu và ThS.BS Đinh Thị Hải Yến – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chiều 23-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức talkshow kết hợp giao lưu trực tuyến “Bệnh bạch hầu và những điều cần biết”.

“Vũ khí” quan trọng để chống lại dịch bạch hầu

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết gần đây bệnh bạch hầu có dấu hiệu gia tăng trở lại, xuất hiện rải rác ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp như các vùng sâu, vùng xa của Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, gần đây nhất là Thanh Hóa. 

“Bệnh bạch hầu có dấu hiệu gia tăng trở lại là do gián đoạn nguồn cung vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài ra còn phải kể đến tỉ lệ tiêm chủng sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, ông Phu lý giải.

Đang gánh lúa, mắc bạch hầu về không quét được nhà  - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ở những tỉnh không chích ngừa được vắc xin dịch vụ đã có những ca bệnh hầu. Tuy nhiên, theo ông Phu ngay cả ở đồng bằng và thành phố, nếu không có miễn dịch, không được tiêm chủng thì nguy cơ mắc bệnh bạch hầu vẫn có thể xảy ra. 

 Tỉ lệ tiêm chủng thấp không chỉ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu mà bệnh sởi, ho gà, cúm, thủy đậu…. cũng có thể bùng phát.

ThS.BS Đinh Thị Hải Yến – trưởng khoa truyền thông – giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết bạch hầu là nhóm bệnh nguy hiểm gây ra nhiều triệu chứng nguy kịch đến tính mạng, hiện có vắc xin phòng bệnh, đây là “vũ khí” quan trọng để chống lại dịch.

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ người bệnh. Với những người chưa có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh sẽ dễ bị nhiễm. 

Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua đụng, chạm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày nếu người bệnh có tiếp xúc nhưng không vệ sinh sạch sẽ.

Bác sĩ Yến cũng cho biết thêm TP.HCM có mật độ dân cư lớn, nơi giao thương giữa các tỉnh tuy nhiên những năm gần đây chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu.

Năm 2020, TP đã ghi nhận một ca bạch hầu từ tỉnh khác đến sinh sống và làm việc, chưa ghi nhận ca bạch hầu là người dân cư trú tại TP.

Từng mắc bệnh bạch hầu vẫn nên tiêm vắc xin bạch hầu

TS.BS Huỳnh Trung Triệu – phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – cho rằng bệnh bạch hầu xảy ra ở những vùng không được tiêm chủng đầy đủ, nhất là vùng sâu, vùng xa do không tiếp cận được hệ thống y tế như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk…

Gặp một ca bệnh bạch hầu cũng đủ nhớ cả đời! - Ảnh 3.

TS.BS Huỳnh Trung Triệu – phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bệnh bạch hầu thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn chưa có hệ thống miễn dịch phòng bệnh. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trẻ không được tiêm chủng đầy đủ do đó có nguy cơ nhiễm thêm một số các bệnh nhiễm trùng, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp.

Theo bác sĩ Triệu, độc tố của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, gây giả mạc lan nhanh gây bít tắc đường thở, viêm cơ tim có thể dẫn tới tử vong. Nếu sống sót sẽ liệt hầu họng, liệt cơ hô hấp, các bác sĩ phải hỗ trợ người bệnh thở máy, trợ tim, nằm viện từ 1-3 tháng.

“Nếu bệnh nhân sống sót và được xuất viện, khả năng sinh hoạt bình thường sẽ yếu đi vì suy tim mạn, cuộc sống không được khỏe mạnh như trước khi bệnh. Từ một thanh niên khỏe mạnh có thể làm ruộng, làm nông nếu bị bạch hầu trở về không thể quyét nhà được. Với những em bé xuất viện các cháu rất yếu.

Dù không có nhiều ca bệnh nhưng mỗi ca sẽ nhớ suốt đời vì mỗi ca bệnh phải mất nhiều tháng cùng bệnh nhân vượt qua giai đoạn nặng của bệnh kéo dài đến 3 tháng. Nhớ hết từng ca một do đó mới thấm được phòng bệnh hơn chữa bệnh. Kể cả sống sót sau bệnh di chứng để lại là vĩnh viễn”, bác sĩ Triệu kể.

Theo bác sĩ Triệu, sau khi mắc bệnh bạch hầu kháng thể bảo vệ chống lại bạch hầu là rất ít, do đó người bệnh vẫn phải tiêm vắc xin bạch hầu để tạo miễn dịch. 

Người bệnh sau điều trị phải có nếp sống sinh hoạt lành mạnh, thể dục thể thao, chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác.

Gặp một ca bệnh bạch hầu cũng đủ nhớ cả đời! - Ảnh 4.

BS.CK1 Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC – Ành: QUANG ĐỊNH

BS.CK1 Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC thông tin từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận rải rác ca mắc bạch hầu, trong đó một ca bệnh ở Nghệ An đã tử vong.

“Khi nghe thông tin bệnh bạch hầu quay trở lại, rất nhiều bậc phụ huynh đặc biệt ở các tỉnh có dịch và cận dịch như Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị… đã đưa con em đi tiêm vắc xin bạch hầu. 

Bên cạnh đó, người lớn, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cũng đến tiêm chủng tăng cao. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, các Trung tâm tiêm chủng của VNVC đã bố trí bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tăng giờ làm việc, sẵn sàng nguồn vắc xin có sẵn dồi dào đồng thời nỗ lực hỗ trợ giá để người dân được tiêm vắc xin đầy đủ”, bác sĩ Chính cho hay.

Theo bác sĩ Chính, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với gần 200 cơ sở trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vắc xin có thành phần phòng bạch hầu chính hãng, sử dụng cho trẻ em và người lớn gồm vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim – Pháp, Infanrix Hexa – Bỉ), 5 trong 1 (Pentaxim – Pháp), 4 trong 1 (Tetraxim – Pháp), 3 trong 1 (Boostrix – Bỉ, Adacel – Canada), 2 trong 1 (Uốn ván – Bạch hầu hấp phụ Td – Việt Nam).

Tất cả vắc xin sử dụng tại VNVC được bảo quản trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh GSP chất lượng quốc tế; quy trình tiêm chủng an toàn; đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng tiêm nhẹ nhàng; có phòng xử trí phản ứng sau tiêm đầy đủ thuốc và trang thiết bị hiện đại.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *