Tổn thương não, liệt tứ chi vì bóng cười
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị người bệnh nữ 16 tuổi ở Vĩnh Phúc sau khi sử dụng 15 quả bóng cười. Cô gái cho biết trước đây khỏe mạnh, nhưng 2 tuần trước đã sử dụng 15 quả bóng cười trong 3 ngày.
Sau đó cô bị xuất hiện tình trạng tê bì tứ chi, hay bị chuột rút, giảm cảm giác chân tay hai bên, chân nặng hơn tay, tình trạng yếu chi tiến triển tăng dần, dẫn đến không vận động được hai chân.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười.
Sau 10 ngày điều trị, người bệnh đã cải thiện các triệu chứng lâm sàng đi lại, vận động được, đỡ tê bì, sức cơ chi hồi phục dần.
Hay như trường hợp nữ bệnh nhân 26 tuổi (TP.HCM) đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện Quân y 7A vì có dấu hiệu ngộ độc, sau khi sử dụng 6-7 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong hai ngày.
Trước đó bệnh nhân có tiền sử thường xuyên sử dụng bóng cười trong nhiều năm, cụ thể là 5 năm, mỗi tuần 2-3 lần, mỗi lần sử dụng 5-7 quả.
Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít bóng cười, nữ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng.
Các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám, mà tự mua thuốc uống.
Sau 15 ngày, bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân đi không vững mới đến bệnh viện để khám. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân được chẩn đoán xác định tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được.
Hàng loạt hệ lụy sức khỏe vì bóng cười
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – khoa nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) – cho biết trong những năm gần đây, việc sử dụng bóng cười đã trở thành một trào lưu giải trí mới, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Bóng cười chủ yếu chứa khí dinitơ monoxide (N2O), một loại khí không màu và không mùi, được biết đến với khả năng gây ra cảm giác euphoria (hưng phấn).
Khi được hít vào, N2O nhanh chóng đi vào hệ thống tuần hoàn và đến não, nơi nó ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và endorphin. Điều này dẫn đến cảm giác vui vẻ, thoải mái, đôi khi có thể cảm thấy như đang bay bổng.
Đây là cảm giác phổ biến nhất và thường là lý do chính mà nhiều người sử dụng bóng cười.
Theo bác sĩ Nam, bóng cười có thể mang lại cảm giác vui vẻ trong thời gian ngắn, nhưng việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
Một số hậu quả nghiêm trọng khi lạm dụng bóng cười như: thiếu oxy gây chóng mặt, mất ý thức, tổn thương não hoặc tử vong, tổn thương thần kinh như tê bì, ngứa ran, mất cảm giác, giảm phản ứng và điều khiển, tăng nhịp tim, huyết áp…
“Lạm dụng hoặc sử dụng bóng cười không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe và hệ thần kinh, vì thế để chẩn đoán và có phương án điều trị tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nếu bệnh nhân hoặc người thân gặp phải các triệu chứng bất thường sau khi sử dụng bóng cười, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Nam cho hay.