Vẩy càng nhiều càng chữa được nhiều bệnh?
Phong trào vẩy tay chữa “bách bệnh” đã được nhiều người, nhiều gia đình áp dụng. Theo hướng dẫn mỗi ngày vẩy tay 1.800 lần vào buổi sáng, trưa, chiều có thể phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
Nếu làm 3.000 – 6.000 lần trong ngày thì có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, bán thân bất toại, hen suyễn…
Nhưng bác sĩ – võ sư Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long, lý giải vẩy tay chữa được nhiều bệnh là vì tất cả các đường kinh lạc trong thập nhị kinh lạc đều đến và kết thúc ở 10 đầu ngón tay trên bàn tay.
Đồng thời thông qua hệ thống nội kinh ở tay và chân để thông hoạt lục phủ ngũ tạng, vì 12 chính kinh thì 6 qua tay và 6 qua chân và lên xuống hợp nhất, thông qua thủ tam âm, thủ tam dương ở tay và túc tam âm, túc tam dương ở chân.
Cho nên việc vẩy tay phải phối kết hợp với chân như đứng mở gót mới có hiệu quả sức khỏe và trị liệu, chứ không phải là vì số lượng. Bởi do hệ thống kinh lạc ở tay và chân ngược nhau và được kết nối ở thân qua nội đan và thận để chi phối lục phủ ngũ tạng.
Các đầu ngón tay và chân được coi như chìa khóa, thông qua nội kinh để mở vào lục phủ ngũ tạng, cũng như các thầy thuốc trung y, thông qua châm cứu trên nền da ở ngoại biên mà chữa bệnh của lục phủ ngũ tạng.
Đặc biệt, vẩy tay ở đây không phải là phương pháp vẩy thông thường như ta vẫn nghĩ mà là phải đúng theo pháp và dịch lý của dịch cân tẩy tủy kinh, phải vẩy đúng tốc độ vẩy, biên độ vẩy, thả lỏng và kết hợp với thân người và hai chân….
Do đó, cần có sự hướng dẫn của thầy khí công có kinh nghiệm để tập đúng.
Chuyển biến thế lực yếu kém thành mạnh khỏe
TS Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA,) cho biết đây chỉ là một động tác nhỏ trong 72 phép khác nhau của Dịch cân kinh thuộc phái Thiếu Lâm, dùng phương pháp khí công chữa bệnh.
Dịch cân kinh chỉ cho ta phương pháp đào luyện gân cốt và ý chí chuyển yếu thành mạnh, là phương pháp kết hợp nguyên tắc thiền và động tác (động và tĩnh), giữa cương và nhu, thần và khí (tâm và hơi thở), giữa khí và lực (hơi thở và sức mạnh).
Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học thể dục thể thao nhấn mạnh, tuy chỉ là một động tác nhỏ của Dịch cân kinh nhưng tác dụng phòng bệnh của động tác vẩy tay là có thực. Ðộng tác hít thở phối hợp với nhíu hậu môn và lắc tay liên tục tác động vào các cơ ngực và thành bụng, nhất là cơ hoành.
Sự tác động này thúc đẩy sự vận hành khí huyết, các cơ quan tạng phủ lưu thông và tăng cường chức năng.
Khí huyết lưu thông, kinh mạch điều hòa, các tạng phủ trong cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ, huyết được thay cũ đổi mới, giúp loại trừ các loại cặn bã, các chất độc hại, đẩy các chất bổ dưỡng đến tạng phủ khiến cơ thể khỏe mạnh.
Vì vậy, phương pháp này rất tốt để chữa bệnh đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa, khí nghẽn, khí bế, khí uất do stress…
Tạng phủ được nuôi dưỡng tốt không chỉ giúp khỏe tạng phủ mà còn giúp máu về tim nhiều lên, trao đổi máu tăng, làm mạnh xương, khớp, da trơn nhuận… giúp cải thiện hô hấp, tim mạch, huyết áp. Ðiều đó giúp cho cơ thể minh mẫn, tỉnh táo, khỏe mạnh.
Chỉ nên coi là phương pháp hỗ trợ
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, theo TS Khanh, việc tập luyện đòi hỏi đúng bài bản, trong khi ở nước ta mọi người thường tập qua truyền miệng, lấy số lượng lần vẩy để tính hiệu quả mà không biết hiệu quả thực sự của phương pháp này là phải luyện tâm và khí để giữ tâm bình, khí hòa, giúp lưu thông khí huyết bệnh mới khỏi.
Nghĩa là trong quá trình tập luyện, tâm phải tĩnh lặng, trong sáng, không nghĩ tới chuyện khác. Khí hòa làm chủ và điều hòa hơi thở. Khi tâm không có điểm gãy, khí đưa lên không có điểm dừng thì động tác không gây tốn sức mà hiệu quả lại lớn.
Ðặc biệt, trong quá trình vận khí này, năng lượng được sinh ra giúp loại bỏ cái xấu, đưa vào cái tốt khiến cơ thể khỏe mạnh. Khi tập đến một giai đoạn nhất định, khí thăng hóa tạo thành thần (tinh khí thần) thì bệnh tật được loại bỏ, cơ thể khỏe mạnh.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên coi đây là một trong các phương pháp nâng cao thể trạng và giúp phòng bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Ðối với các bệnh mãn tính như: ung thư, cao huyết áp, các bệnh cần can thiệp ngoại khoa… thì bài tập chỉ có tác dụng bổ trợ, không chữa được bệnh.
Ngoài ra, không phải tất cả mọi người đều có thể tập được, nên tập thử một thời gian, nếu thấy sức khỏe được nâng cao thì tập tiếp, còn mệt mỏi, sức khỏe yếu thì dừng ngay.
Một số điểm cần chú ý khi tập
– Nên chọn nơi yên tĩnh, không khí trong sạch
– Nên tuần tự mà tiến, lúc đầu tập ít và nhẹ, sau khi thuần thục thì tăng dần thời gian và cường độ
– Số lần tập tùy theo thời gian của chính mình, nếu có thời giờ, tốt nhất là ba buổi mỗi ngày. Buổi sáng thanh tâm, tập mạnh; buổi chiều trước khi ăn, tập vừa; buổi tối trước khi ngủ, tập nhẹ.
– Khi ăn no, hay bụng đói quá không nên tập
– Không nên nhịn đại, tiểu tiện trong khi tập
– Không nên tập lúc tinh thần bất an
– Sau khi tập xong, không nên tắm hay ra gió lạnh.