Ngày 16-8, CDC Đắk Lắk cho biết vừa ghi nhận một bệnh nhi ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tử vong do bị sốt xuất huyết.
Hôm 10-8, cháu K. (11 tuổi, trú phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột) xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều và được người nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị.
Ngày 14-8, em diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4, rối loạn đông máu, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, dư cân.
Bệnh diễn biến nặng và em qua đời lúc 13h30 ngày 15-8. Nguyên nhân tử vong được xác định là do sốt xuất huyết Dengue nặng cuối ngày thứ 5, tái sốc lần 1 có suy đa tạng nặng, thừa cân.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, CDC Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột triển khai các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra véc tơ truyền bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực ghi nhận ca bệnh.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường ở Đắk Lắk
Theo số liệu thống kê của CDC Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến ngày 15-8, toàn tỉnh này ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có trường hợp tử vong vừa nêu).
Các ổ dịch đã xuất hiện tại 15 huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều nhất tại các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột.
Theo nhận định của ngành y tế Đắk Lắk, dịch sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến khó lường, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Đặc biệt, thời điểm này Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng thời tiết nắng mưa đan xen sẽ là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển.
Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ có xu hướng tiếp tục gia tăng. Vì vậy người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch; tiến hành diệt lăng quăng bọ gậy, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước xung quanh nhà; ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay…