Ngày 13-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế TP cần thực hiện tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin.
Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ 1-5 tuổi
Bác sĩ Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho hay trước nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP.HCM, ngành y tế TP đã tham mưu UBND TP tổ chức một chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho những trẻ từ 1 – 5 tuổi tại TP.HCM. Đây là nhóm tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh nhân sởi.
Theo một cán bộ của Sở Y tế, khi UBND TP phê duyệt chiến dịch này thì tất cả trẻ em trong TP.HCM từ 1 – 5 tuổi sẽ được tiêm vắc xin sởi.
TP.HCM đang tiếp tục cập nhật số liệu, tiền sử tiêm chủng và đồng thuận tiêm chủng của những trẻ trong độ tuổi này.
Ngoài trẻ em ở độ tuổi trên cần chích ngừa sởi, Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi.
Sở cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý, tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện.
Hiệu quả ngăn chặn đường lây truyền bệnh khi có miễn dịch cộng đồng cũng là giải pháp gián tiếp để bảo vệ những người mắc bệnh ác tính, suy giảm miễn dịch không thể tiêm vắc xin.
Ngành y tế TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.
Người lớn cũng cần chích ngừa vắc xin sởi
Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh sởi lây rất nhanh. Cách phòng chống bệnh sởi lây lan trong cộng đồng tốt nhất là chích ngừa vắc xin sởi đầy đủ.
Tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 các bác sĩ gặp nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh sởi, trong đó có trẻ bị nặng, nhập viện khi đã có những biến chứng của bệnh sởi như viêm phổi, viêm ruột…
Những trẻ dưới 9 tháng tuổi này bị mắc bệnh sởi là do bị lây từ những người trong gia đình, từ những người chăm sóc trẻ mà chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi. Do vậy, theo bác sĩ Quy, trẻ lớn hay những người chăm sóc trẻ cũng cần được chích ngừa sởi.
HCDC cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Cụ thể, tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi) và tiêm mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi – rubella).
Còn với những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Theo các bác sĩ, nguyên tắc tiêm ngừa là trễ bao lâu cũng được, nhớ ra phải đi tiêm liền. Ví dụ, một bé 9 tháng tuổi chích một mũi sởi nhưng lớn rồi mới nhớ ra chưa chích mũi 2 thì cũng đi tiêm liền, chứ không nói là 5 tuổi hay 7 tuổi. Hoặc có người 10 năm sau mới nhớ ra mình quên tiêm nhắc vắc xin sởi thì cũng tiêm nhắc luôn, chứ không có giới hạn cuối cùng của mũi 2.
Những người lớn không nhớ đã từng chích ngừa sởi hay chưa vẫn có thể đi chích ngừa sởi.
Tỉ lệ tiêm chủng mũi sởi chưa đạt
Theo HCDC, tỉ lệ tiêm chủng mũi sởi 1 cho trẻ sinh năm 2023 đạt 89,2% trên quy mô toàn thành và chưa có quận huyện nào đạt trên 95%, quận có tỉ lệ thấp dưới 85% là Q.12.
Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin mũi sởi 2 cho trẻ sinh từ năm 2019 đến 2022 đều chưa đạt 95% trên quy mô TP. Các quận huyện có 4 năm liên tiếp không đạt tỉ lệ 95% gồm Q.5, Q.8, Q.11, Q.12, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, Q.Tân Phú, TP Thủ Đức.