Bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết trong ngày 13-8, tại khoa có 39 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị.
“Hơn một tháng nay số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng nhưng tăng đột biến trong hơn một tuần nay. Phần lớn trẻ em mắc sởi đều chưa được chích ngừa, một số ít trẻ mới được chích một mũi”, bác sĩ Quy thông tin.
Bác sĩ Quy cũng cho biết thêm trong đợt dịch sởi này khoa nhiễm – thần kinh của bệnh viện chưa ghi nhận một bệnh nhi nào đã được tiêm 2 mũi vắc xin sởi trước đó mà phải nhập viện.
Bác sĩ Quy cũng nêu ra một thực tế là nhiều bà mẹ đã quên đưa con đi tiêm ngừa vắc xin sởi. Khi bác sĩ hỏi các bà mẹ sao không đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi, các bà mẹ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau.
Có bà mẹ chia sẻ do kinh tế sa sút nên phải lo đi làm, giao con cho ông bà chăm sóc và quên mất việc tiêm ngừa cho trẻ.
Nhiều bà mẹ cho hay họ không coi tivi, chỉ xài điện thoại coi YouTube, phim, hài… nên cũng không biết những thông tin cần tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ. Cũng có những bà mẹ có quan điểm “anti” với vắc xin…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số bệnh nhân bị mắc bệnh sởi tại TP.HCM chưa chích ngừa vắc xin sởi hoặc chưa chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn TP chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận huyện nào đạt trên 95% (tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát).
Đồng thời, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%. “Bệnh sởi lây rất nhanh. Cách phòng chống bệnh sởi lây lan trong cộng đồng tốt nhất là chích ngừa sởi đầy đủ”, bác sĩ Quy nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, những bé xuất viện có tình trạng ổn đều được giới thiệu xuống trung tâm tiêm chủng để tiêm ngừa, thậm chí có những ca có bệnh nền nằm trong bệnh viện sẽ được chích ngừa ngay tại khoa đó.
Còn với những trẻ dưới 9 tháng bị mắc bệnh sởi là do bị lây từ những người trong gia đình, từ những người chăm sóc trẻ mà chưa được tiêm chủng. Do đó, trẻ lớn hay những người chăm sóc trẻ cũng cần được chích ngừa sởi, bác sĩ Quy khuyên.
Mới đây, PGS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng đã yêu cầu Thanh tra Sở Y tế cần kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vắc xin” và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng.
Nhiều bà mẹ 9X không biết gì về bệnh sởi
Trong thế hệ mới từ 9X về sau, các bà mẹ trẻ này chưa một lần được nhìn thấy bệnh sởi nên không biết bệnh sởi là bệnh gì.
Một số ít các bà mẹ thấy con bị phát ban, sốt đưa con đi khám, còn nhiều trường hợp khi trẻ bị biến chứng của sởi như viêm phổi, biến chứng viêm ruột như tiêu chảy, tiêu phân xanh… mới đưa đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Quy, cũng cần phải truyền thông bệnh sởi đến những bà mẹ trẻ này.