Bác sĩ Nguyễn Minh Phương, khoa siêu âm chẩn đoán, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ung thư nội mạc tử cung là một khối u ác tính phát sinh từ nội mạc tử cung. Hầu hết các loại ung thư nội mạc tử cung là ung thư biểu mô, thường là ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư biểu mô nội mạc tử cung được chia thành các loại phụ mô học khác nhau, gồm ung thư biểu mô tuyến nội mạc tử cung; Ung thư biểu mô thanh dịch; Ung thư biểu mô tế bào sáng; Sarcoma biểu mô tử cung;
Các ung thư biểu mô khác như: Ung thư biểu mô nhầy, ung thư biểu mô nội tiết thần kinh, ung thư biểu mô không biệt hóa, và ung thư biểu mô mất biệt hóa.
Theo bác sĩ Phương, hầu hết phụ nữ mắc ung thư nội mạc tử cung có triệu chứng từ rất sớm. Thường gặp nhất là ra máu âm đạo bất thường (gặp ở 90% trường hợp). Một số triệu chứng muộn hơn bao gồm đau vùng chậu, chướng bụng, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu, sụt cân.
Ung thư nội mạc tử cung được phân giai đoạn bệnh từ I đến IV, với giai đoạn IV là ung thư giai đoạn muộn nhất. Phần lớn (khoảng 80%) trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn I, khi đó tiên lượng rất tốt với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 90%.
Tiên lượng cũng phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân và loại khối u. Tất cả các khối u không phải nội mạc tử cung nhìn chung có tiên lượng xấu hơn các khối u nội mạc tử cung.
Hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán ở phụ nữ đã mãn kinh. Tuy nhiên ung thư có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ hơn, đặc biệt nếu người phụ nữ có thêm các yếu tố nguy cơ khác như:
– Nồng độ hormone estrogen trong máu cao: Những phụ nữ có nồng độ estrogen cao sẽ có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn bình thường. Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn phóng noãn tiền mãn kinh khiến cho cơ thể không có đủ lượng hormone progesteron so với estrogen, dẫn đến nguy cơ tăng sinh quá mức nội mạc tử cung.
– Béo phì khiến lượng estrogen tăng cao hơn do được chuyển hóa từ mỡ, do đó họ có nguy cơ cao ung thư nội mạc tử cung.
– Do gene: Hội chứng Lynch là một tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, ung thư vú và một số ung thư khác trong đó có ung thư nội mạc tử cung. Chúng gây ra do đột biến gene và có tính di truyền trong gia đình.
– Do thuốc: Tamoxifen để điều trị hoặc dự phòng ung thư vú làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp nội tiết thay thế chỉ chứa estrogen đơn thuần để điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.
– Chế độ ăn nhiều mỡ động vật và thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
– Các yếu tố nguy cơ khác như có kinh sớm trước 12 tuổi, mãn kinh trễ, vô sinh hoặc không sinh con.
Theo bác sĩ, hầu hết ung thư nội mạc tử cung không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có thể giảm bớt nguy cơ mắc ung thư này bằng cách thay đổi các thói quen, ăn uống lành mạnh, tập luyện và duy trì mức cân nặng chuẩn…