Đeo kính cận thị nhiều bất tiện
Đeo kính cận hơn 10 năm nay, anh T.L. (38 tuổi, Đồng Nai) cho biết kính cận giờ đây đã trở thành vật bất ly thân với anh, nếu hôm nào để quên mắt kính hoặc kính bị bể sẽ nhìn không rõ mọi thứ.
Cứ 6 tháng hoặc một năm anh L. lại đến bệnh viện để đo lại độ cận, cắt kính mới, lần gần đây nhất khi đo độ hai mắt cận đến 3 độ.
“Việc đeo kính khiến tôi thấy rất bất tiện, bỏ kính ra là không nhìn rõ mọi vật. Mỗi lần vận động thể thao như chơi đá bóng cũng phải chú ý, nếu không để ý bóng bay vào mắt kính vỡ gây tổn thương mắt.
Chưa kể, còn phải thường xuyên đi đo mắt kính vì mỗi năm một tăng độ. Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn bè xung quanh bị cận thị nặng ngay khi còn đi học phải đeo kính liên tục”, anh L. cho biết.
Chị M.T.T. (28 tuổi, Phú Nhuận) chia sẻ đã đeo kính từ nhiều năm nay, bị cận ngay khi còn đang đi học.
Chị cho biết để thuận tiện và tăng tính thẩm mỹ mỗi khi chơi thể thao hay tham dự các sự kiện đám tiệc chị thường đeo kính áp tròng.
“Đeo kính áp tròng nhiều tôi cũng sợ nguy cơ ảnh hưởng đến mắt nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Bạn bè có nhắn tôi tìm nơi để phẫu thuật xóa cận nhưng tôi vẫn còn đang chần chừ vì không biết phẫu thuật có hết cận và phải phẫu thuật thường xuyên không?”, chị T. nói.
Cận thị nên phẫu thuật xóa cận?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Thị Kim Chi – phó trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM – cho biết tật khúc xạ bao gồm: loạn thị, viễn thị và cận thị, trong đó cận thị chiếm phần lớn.
Theo đó, điều trị tật khúc xạ có nhiều phương pháp khác nhau, đơn giản nhất là đeo kính gọng hoặc kính áp tròng.
Thế nhưng, khi đeo kính gọng nhiều người sẽ cảm thấy vướng, phụ thuộc vào kính, không nhìn rõ nếu để quên kính, trời mưa đeo kính sẽ khó thấy đường hoặc tính thẩm mỹ không cao.
“Những người mắc tật khúc xạ đeo kính gọng có gặp những vấn đề trên có thể thực hiện phẫu thuật khúc xạ được. Nhất là những trường hợp người có đặc thù công việc không thể đeo kính có thể chọn phương pháp này”, bác sĩ Chi nói.
Bác sĩ Chi cho biết phẫu thuật khúc xạ là loại phẫu thuật an toàn nếu được chỉ định đúng, điều này giúp người bệnh cải thiện được chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cần chú ý chọn lựa đúng cơ sở y tế để được thăm khám.
Người bệnh sẽ được các bác sĩ khám trước khi làm phẫu thuật như đo độ, chụp hình ảnh giác mạc đánh giá cấu trúc, chiều dày, kiểm tra toàn bộ mắt xác định có mắc thêm các bệnh về mắt không… Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn trên người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
Cũng theo bác sĩ Chi, việc phẫu thuật còn phụ thuộc vào đặc điểm giác mạc và độ cận của mỗi người, các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp cho từng người.
Độ tuổi nào thì nên đi kiểm tra tật khúc xạ?
Theo bác sĩ Chi, thường tật khúc xạ không dễ để phát hiện, có thể xuất hiện ngay độ tuổi còn nhỏ do nhiều yếu tố khác nhau như tiền căn gia đình có cha mẹ cận.
Trẻ nhỏ từ 2-3 tuổi có thể kiểm tra được tật khúc xạ, tật khúc xạ ở bất kỳ độ tuổi nào bác sĩ sẽ có phương pháp để phát hiện và điều chỉnh kịp thời.
Cha mẹ cần quan tâm đến các vấn đề về mắt của trẻ, nên đưa trẻ đi tầm soát để phát hiện bệnh sớm hơn. Nếu để kéo dài dễ dẫn tới mắt mờ, nhược thị, nếu có đeo kính đúng độ cũng sẽ không rõ.