TikTok, nền tảng cho phép mọi người tạo và xem các video ngắn, đã thu hút hơn 1 tỉ người dùng. Đáng lưu ý, những nội dung có hại, bao gồm các video tôn vinh chứng rối loạn ăn uống và thân hình cực kỳ gầy, lan truyền rộng rãi trên nền tảng này.
Những “tiêu chuẩn sắc đẹp” trên TikTok
Vì hầu hết người dùng TikTok đều trẻ tuổi, các nhà nghiên cứu từ Đại học Charles Sturt (Úc) muốn khám phá cách nội dung này ảnh hưởng đến hình ảnh cơ thể của phụ nữ trẻ.
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng chỉ cần xem tám phút nội dung TikTok tập trung vào ăn kiêng, giảm cân và tập thể dục đã có tác động tiêu cực ngay lập tức đến mức độ hài lòng về hình ảnh cơ thể.
Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 273 người dùng TikTok là nữ trong độ tuổi từ 18 đến 28 và phân chia ngẫu nhiên họ vào hai nhóm. Những người có chẩn đoán rối loạn ăn uống trước đó hoặc hiện tại đã bị loại khỏi nghiên cứu.
Những người tham gia trong nhóm thử nghiệm được xem một đoạn video tổng hợp dài 7-8 phút gồm nội dung “ủng hộ chứng biếng ăn” và “fitspiration” (truyền cảm hứng thể hình – PV) lấy trực tiếp từ TikTok.
Các đoạn video này có nội dung về phụ nữ trẻ hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể và đưa ra lời khuyên về tập luyện và ăn kiêng, chẳng hạn như mô tả việc thanh lọc cơ thể bằng nước ép để giảm cân.
Những người tham gia trong nhóm đối chứng đã xem một đoạn video tổng hợp dài 7-8 phút gồm các video TikTok có nội dung “trung tính” như video về thiên nhiên, nấu ăn và động vật.
Thông qua loạt bảng câu hỏi, các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ hài lòng về hình ảnh cơ thể và thái độ đối với các tiêu chuẩn về cái đẹp trước và sau khi người tham gia xem nội dung TikTok.
Cả hai nhóm đều báo cáo mức độ hài lòng về hình ảnh cơ thể giảm từ trước đến sau khi xem video. Nhưng những người tiếp xúc với nội dung ủng hộ chứng biếng ăn có mức giảm lớn nhất về sự hài lòng với hình ảnh cơ thể. Họ cũng trải qua sự gia tăng trong việc nội tâm hóa các tiêu chuẩn về cái đẹp.
Nội tâm hóa xảy ra khi một người chấp nhận và đồng nhất với các tiêu chuẩn sắc đẹp bên ngoài. Việc tiếp xúc với nội dung có hại trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng dẫn đến hậu quả xấu. Chính việc nội tâm hóa nội dung này mới làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ thể.
Trước khi tiến hành thí nghiệm video, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia một số câu hỏi chung về việc sử dụng TikTok của họ. Nhóm nghiên cứu cũng đo lường sự ám ảnh về việc ăn uống “lành mạnh” và các triệu chứng của rối loạn ăn uống.
Kết quả, những người tham gia sử dụng TikTok hơn hai giờ mỗi ngày báo cáo có nhiều hành vi ăn uống rối loạn hơn những người sử dụng ít thường xuyên hơn.
Trên thang đo các triệu chứng rối loạn ăn uống, những người tham gia báo cáo mức sử dụng TikTok cao (2-3 giờ mỗi ngày) và cực cao (hơn 3 giờ mỗi ngày) có điểm trung bình thấp hơn một chút, so với ngưỡng cho các triệu chứng rối loạn ăn uống có ý nghĩa lâm sàng.
Điều này cho thấy tiếp xúc với nội dung TikTok hơn hai giờ mỗi ngày có thể liên quan đến chứng rối loạn ăn uống, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
Nội dung có hại rất phổ biến trên TikTok
Nội dung nhóm nghiên cứu cho những người tham gia trong nhóm thử nghiệm xem đang được lan truyền rộng rãi trên TikTok, không chỉ trong các cộng đồng “ủng hộ chứng biếng ăn”.
Xu hướng ăn uống “sạch”, thanh lọc cơ thể và chế độ ăn hạn chế thành phần là “ngụy trang” cho chứng rối loạn ăn uống, cho phép văn hóa ăn kiêng được tái định nghĩa thành “sức khỏe” và “tự chăm sóc bản thân”. Nội dung này, cùng với truyền cảm hứng thể hình, thường tán thưởng và biến việc tập thể dục quá mức và ăn uống rối loạn thành một trò chơi.
Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa nội dung về chứng rối loạn ăn uống và truyền cảm hứng thể hình.
Nhưng các hashtag như #GymTok và #FoodTok cho phép bất kỳ người dùng TikTok nào tạo và tiêu thụ nội dung xoay quanh thói quen ăn uống hằng ngày, các cuộc biến đổi nhờ giảm cân và các thói quen tập luyện.
Hơn nữa, người dùng bình thường có thể lan truyền các video liên quan đến chế độ ăn kiêng nguy hiểm mà không phải đối mặt với phản ứng dữ dội như người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng có thể nhận được khi chia sẻ nội dung vô trách nhiệm với xã hội.
Nghiên cứu chỉ xem xét hậu quả ngắn hạn của việc tiếp xúc với loại nội dung này trên TikTok. Cần có nghiên cứu dài hạn để xem liệu những tác động tiêu cực có kéo dài theo thời gian hay không.
Nguy cơ từ nội dung “Dành cho bạn”
Người dùng TikTok có rất ít quyền kiểm soát đối với nội dung mà họ tiếp xúc. Dành phần lớn thời gian trên trang “Dành cho bạn” được cá nhân hóa bằng thuật toán, người dùng không cần phải tìm kiếm hoặc theo dõi nội dung liên quan đến rối loạn ăn uống để “bị phơi nhiễm” với nó.
Trong nghiên cứu, 64% người tham gia báo cáo đã nhìn thấy nội dung liên quan đến chứng rối loạn ăn uống trên trang “Dành cho bạn”. Các ví dụ có thể bao gồm video mô tả cảnh ăn uống vô độ, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc tập thể dục quá mức.
Nghịch lý thay, việc tìm kiếm nội dung tích cực về cơ thể có thể khiến người dùng dễ bị tiếp xúc với nội dung liên quan đến chứng rối loạn ăn uống.