Công tác phòng chống bệnh kéo dài bao nhiêu năm qua có vẻ vẫn không có hiệu quả. Những thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc 2024, vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Bộ Y tế công bố: Trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong phạm vi toàn quốc, những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh và nhiều ca tử vong là Bình Thuận 7 ca tử vong, Đăk Lăk: 5 ca, các tỉnh Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh mỗi tỉnh có 4 người tử vong do bệnh dại, Long An, Hòa Bình 3 ca…
Trong suốt những năm qua, bệnh dại luôn đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau dịch sởi năm 2014, sau dịch COVID-19 năm 2021, 2022.
PGS.TS Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế khẳng định: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm vì vô phương cứu chữa. Chỉ có vắc xin mới có thể cứu bệnh nhân khỏi cái chết khi bị chó, mèo dại cắn cào, liếm vào vết thương hở.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong do bệnh dại là người bị chó mèo cắn, cào chủ quan không đi chích ngừa vắc xin sau khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc liếm vào vết thương hở.
Một số rất ít trường hợp tiêm không kịp, khi bệnh nhân mới chích ngừa được 1-2 mũi vắc xin đầu tiên thì đã tử vong do vết thương vùng đầu, mặt, cổ, vi rút tấn công vào não trước khi vắc xin có hiệu lực.
Điều tra dịch tễ cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không đi tiêm vắc xin dại, đó là cho rằng bị chó nhà cắn, chó không mắc bệnh dại, cũng có không ít trường hợp chết oan do tìm đến thầy lang chữa dại mà không đi tiêm phòng.
Đặc biệt, có những trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình, lỡ mất cơ hội điều trị dự phòng và tử vong.
Chính vì vậy các gia đình cần nhắc nhở con trẻ về việc bị chó cắn, dù vết thương nhẹ hay chảy máu thì cũng phải báo lại với bố mẹ. Tuyệt đối không mắng trẻ khi bị chó mèo cắn vì có thể khiến trẻ sợ và không kể lại cho bố mẹ.
Ông Dương đề nghị ngành y tế các địa phương rà soát tình trạng thầy lang tuyên bố thử được dại, chữa được dại để có chế tài xử phạt.
“Quy định xử phạt thầy lang chữa dại đã có mà các địa phương không có động tĩnh gì, để nhiều người tin theo thầy lang, không tiêm vắc xin và lên cơn dại, chết oan uổng”. ông bức xúc.
Mới có 58% chó nuôi được tiêm ngừa bệnh dại
Tại hội nghị, Cục Thú y cũng công bố tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%.
Tuy nhiên con số này chưa thực sự sát thực tiễn vì trên thực tế, ngành thú y và các địa phương chưa thống kê được đàn chó, chưa quản lý được đàn chó nên không năm được tổng đàn chó thực tế là bao nhiêu nên tỷ lệ này có thể chưa chính xác.
Ông Phan Quang Minh, phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết còn nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%. Đây là vấn đề nan giải nhất trong phòng chống bệnh dại. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu các địa phương áp dụng các chế tài xử phạt những chủ nuôi không tiêm phòng cho chó, để chó thả rông.
Theo số liệu Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn. Chỉ tính chi phí điều trị dự phòng (tức tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại) là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra chưa kể các chi phí khác như: phẫu thuật thẩm mỹ, nạn nhân hoặc người nhà phải nghỉ làm để điều trị… tổn thất do bị chó cắn có thể vượt xa con số 2.000 tỷ mỗi năm.
Trước thực trạng số ca tử vong vì bệnh dại năm 2024 tăng cao, ngày 14-3-2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chỉ đạo công an cơ sở chủ động nắm tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ nuôi chó không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.